• Trang chủ
  • Cả nước đã có 14 địa phương đang cho học sinh đi học trực tiếp

    Cả nước đã có 14 địa phương đang cho học sinh đi học trực tiếp

    0
    442

    Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết đến nay, cả nước có 14 địa phương đang cho học sinh đi học trực tiếp.

    Chiều 24/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp bàn về lộ trình mở cửa trường học; phương án, kế hoạch và lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả.

    Đưa trẻ trở lại trường ngay sau Tết

    Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết đến nay, cả nước có 14 địa phương đang cho học sinh đi học trực tiếp, 30 địa phương học trực tiếp kết hợp trực tuyến, 19 địa phương còn đang học trực tuyến hoặc qua truyền hình. Bộ GD&ĐT đã tổ chức một số cuộc hội thảo, tham vấn ý kiến với các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, y tế về phương án đưa trẻ trở lại trường, và nhận được các ý kiến đồng thuận, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực về tâm sinh lý khi trẻ ở nhà quá lâu. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong triển khai kế hoạch đưa trẻ trở lại trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

    "Theo kiến nghị của các địa phương, đến ngày 7/2, dự kiến có 49 tỉnh, thành phố triển khai học trực tiếp, 14 tỉnh dự kiến cho trẻ trở lại trường vào ngày 12/2. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD&ĐT là đưa trẻ trở lại trường trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm quyền lợi của các cháu", Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ.

    Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ sẽ sớm ban hành hướng dẫn mới về xác định cấp độ dịch. Ảnh: VGP/Đình Nam.

    Bộ Y tế cơ bản ủng hộ kế hoạch đưa trẻ trở lại trường sau Tết

    Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin diễn biến dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp ở một số nước trên thế giới, do chủng Omicron lây lan nhanh gấp 7 lần so với chủng Dealta.

    Tại Việt Nam, các địa phương vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Hiện cả nước đã thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ, theo dõi diễn biến chủng Omicron trong nước trên tinh thần không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

    Tuy nhiên, chúng ta đã có những điều kiện, căn cứ để đưa trẻ trở lại trường học an toàn như: Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trong nhóm cao nhất thế giới, tỷ lệ ca bệnh nặng, số ca tử vong thấp, kinh nghiệm chống dịch của các địa phương, ý thức của người dân được nâng cao, tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi cao (dự kiến hoàn thành tiêm mũi 2 sau Tết) và tăng cường tiếp cận vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

    "Quan điểm của Bộ Y tế cơ bản ủng hộ kế hoạch đưa trẻ trở lại trường sau Tết, tuy nhiên, trong dịp Tết, chúng ta cần hết sức cảnh giác, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trong Tết, nhất là đối với biến chủng Omicron. Sau Tết, Bộ Y tế sẽ có đánh giá cụ thể tình hình dịch để góp ý cho Bộ GD&ĐT về kế hoạch đưa trẻ trở lại trường", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn bày tỏ.

    Sớm ban hành hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch

    Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn mới về xác định cấp độ dịch để các địa phương căn cứ triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp khi đưa trẻ trở lại trường hay mở lại hoạt động du lịch.

    Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương thực hiện các biện pháp quản lý hành chính, hoạt động kinh tế-xã hội phù hợp theo Nghị quyết 128/NQ-CP, trong đó có việc đưa trẻ trở lại trường, mở lại hoạt động du lịch.

    Việc đưa học sinh sớm trở lại trường, không ràng buộc với điều kiện tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế phải chỉ đạo các địa phương tổ chức diễn tập các phương án xử lý khi có ca nhiễm COVID-19 trong trường học, lớp học.

    Bộ GD&ĐT hướng dẫn ngành giáo dục các địa phương xây dựng lộ trình chi tiết về thi cử, học bù, củng cố kiến thức. Việc đưa trẻ trở lại trường phải căn cứ vào cấp độ dịch, bảo đảm quyền lợi của học sinh.

    Theo Diệu Thu (Dân Việt)

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!