Là người chủ trì xây dựng đề án mở ngành học mới Nông nghiệp Công nghệ cao do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định lần đầu tiên tại Việt Nam (2020), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học, Trường Đại học Khoa học Huế (2022),… PGS.TS. Phan Phước Hiền luôn mang trong mình ý chí học tập và phấn đấu không ngừng nghỉ trên con trường đến với tri thức cũng như góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp.
PGS.TS. Phan Phước Hiền - nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Hợp tác Quốc tế, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Hóa sinh Hóa Dược, Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh (2003 - 2013), nguyên sáng lập và phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Phát triển tài nguyên quý và dược liệu, Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh (2014 - 2015), nguyên Trưởng khoa Khoa Thực phẩm và Sự sống Trường Đại học Hùng Vương Tp. Hồ Chí Minh do ông sáng lập (2015 - 2017), nguyên Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu Khoa học Trường Đại học Nam Cần Thơ (2016 - 2018), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sài Gòn (2015 đến nay), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ cao Văn Lang (2018 - 2019), Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Ứng dụng (IAST), Trường Đại học Văn Lang do ông sáng lập (2019 đến nay). Ông là nhà khoa học luôn nỗ lực vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chấp nhận mất mát để đến với thành công – một tấm gương sáng cho các thế hệ học trò, cũng như những nhà khoa học trẻ noi theo.
Những bước đường gian nan thời thơ ấu
PGS.TS. Phan Phước Hiền sinh ra và lớn lên tại làng Phò An, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Gia đình ông ngày đó rất nghèo, những ngày cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc đã trở thành kỷ niệm khó phai trong ký ức của ông. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn mọi bề, khổ đến nỗi cho đến cuối cấp tiểu học (cấp I ngày nay) mà ông chỉ có duy nhất một cái quần tây màu xanh và một cái áo chemise trắng đi học. Tuy vậy, trong suốt những năm học cấp I, ông luôn là học sinh xuất sắc, thường xuyên được khen thưởng trước lớp, trước trường. Đặc biệt, năm cuối cấp I, ông đã được Quận trưởng quận Phú Vang mời lên Tòa quận để tặng phần thưởng toàn quận do có thành tích xuất sắc nhất trong số các trường tiểu học xã trong toàn quận; phần thưởng lớn, phải mang về nhà bằng xe xích lô vì nhiều và nặng quá, hai cha con không mang về được. Đó là vinh dự, niềm tự hào lớn cho gia đình và bà con ở làng Phò An ngày đó.
Sau khi hết cấp I, Phan Phước Hiền phải trải qua kỳ thi chuyển cấp khắc nghiệt để tiếp tục trên con đường học tập của mình. Hồi đó (1963), toàn quận Phú Vang chỉ tuyển vào 50 chỉ tiêu cho lớp Đệ thất (nay là lớp 6), như vậy mỗi xã chỉ có một đến hai học sinh giỏi được tuyển vào nên rất khó đỗ. Vì vậy, khi cậu học trò Phước Hiền trúng tuyển, gia đình và bà con trong làng đều rất vui sướng, cha cậu đã mổ lợn ăn mừng. Cậu học trò nhỏ luôn là niềm tự hào của gia đình và làng xóm về thành tích học tập của mình. Trong suốt 04 năm học trung học Đệ nhất cấp (cấp II) ở trường quận, dù mỗi ngày phải đi bộ bốn vòng, hai buổi học khoảng 12km để đến trường nhưng niềm khát khao học tập luôn thôi thúc cậu tiến lên không mệt mỏi trên con đường tri thức. Thế nhưng khi chưa học xong Đệ lục (lớp 7) thì người cha kính yêu không may mắc bệnh nặng và qua đời. Sự ra đi đột ngột của người cha kính yêu mãi là nỗi đau chất chứa trong tâm hồn đứa trẻ chưa đầy 13 tuổi cho đến tận sau này. “Nỗi đau buồn và mất mát lớn nhất của đời tôi là khi tôi chưa học xong lớp Đệ lục (lớp 7 bây giờ) thì cha tôi bệnh nặng và mất năm tôi chưa đầy 13 tuổi, còn cha tôi thì chỉ mới 56 tuổi, ông đang rất khỏe mạnh thì bỗng một căn bệnh quái ác đã đột ngột mang ông ra đi mãi mãi mà cho đến nay tôi cũng không biết rõ đó là căn bệnh gì! Đó là một buổi chiều mưa lạnh mùa đông ở Huế, lúc đó trời đất như sụp đổ và tôi đã nghĩ là mình phải bỏ học vì cha tôi là trụ cột kinh tế trong gia đình, tôi còn ba người chị đều không được đi học và đứa em trai chưa đầy 9 tuổi đang học lớp 4. Nỗi đau buồn và thương tiếc cha quá lớn chính là động lực thúc giục tôi cần cố gắng nhiều hơn khi người cha thân yêu không còn nữa”.
Thương cha nhiều nên cậu học trò Phước Hiền đã chít khăn tang liên tục suốt 03 năm kể cả lúc đến lớp học ở trường, thêm vào đó là nỗi thương yêu người mẹ phải một mình gồng gánh tảo tần mua bán, vất vả ngược xuôi để lo cho năm chị em chúng tôi. Cuộc sống ngày càng cơ cực khi cha không còn, đó cũng chính là một động lực nữa càng thúc giục cậu học trò nhỏ quyết chí học tập thật nhiều hơn nữa.
PGS.TS. Phan Phước Hiền được Agilent mời thăm và Báo cáo KH tại Singapore
Lên học Đệ nhị cấp (cấp III) tại Trường Quốc học Huế, cậu học trò Phước Hiền đã chọn Ban chuyên Toán và mỗi ngày phải đạp xe bốn vòng trên 40km để đi học trong suốt ba năm, đặc biệt là những ngày mưa lạnh mùa đông thì quãng đường dài vất vả ấy đủ làm chùn bước bao người nhưng lại không làm lung lay ý chí học tập của Phước Hiền. Dù gặp nhiều khó khăn, vất vả để đến được với con đường tri thức rộng mở nhưng trong những năm học tập ở Trường Quốc học Huế, cậu vẫn luôn là học sinh xuất sắc của lớp và đạt nhiều thành tích cao nhất trong học tập. Hiện giờ khi nhớ lại những ngày tháng thơ ấu cắp sách đến trường, Phan Phước Hiền chia sẻ: “Động lực học tập lớn nhất của tôi chính là làm sao để cho cha mẹ tôi được vui, đó cũng là một cách báo hiếu cho đấng sinh dưỡng mình. Dù lúc đó cha tôi đã qua đời, nhưng tôi luôn tin rằng ông luôn ở bên cạnh và luôn động viên chia sẻ niềm vui khi tôi thành công trong học tập. Do vậy, tôi luôn quyết tâm ra sức học tập hết sức mình, phải làm tất cả những gì mình có thể làm được để đền đáp phần nào công lao khó nhọc của cha mẹ, phải học để thay đổi cuộc sống khốn khổ này, tôi luôn tự bảo mình rằng: Chỉ có duy nhất một con đường học tập mà thôi!
Trong thời gian học ở Trường Quốc học Huế, ngoài giờ đi học ở trường, tối về tôi phải dạy kèm cho năm anh chị con người cậu để được ăn cơm khỏi trả tiền, thứ bảy và chủ nhật tôi phải đi dạy thêm môn Toán và Lý cho một số lớp luyện thi Tú tài bán phần để kiếm tiền phụ tiếp cho mẹ nuôi em ăn học. Có một kỷ niệm khó quên và cũng khó nói đối với tôi thời đó. Đó là lúc tôi đang học lớp 12B3 chuyên Toán, Trường Quốc học Huế, một thầy trong Ban Lãnh đạo Trường Quốc học (tôi xin được giấu tên) xuống lớp kêu tôi lên phòng làm việc của ông để giao một nhiệm vụ đặc biệt cho tôi. Thầy nói với tôi: “Nhiệm vụ này rất đặc biệt nên yêu cầu phải giữ bí mật tuyệt đối. Thầy chở tôi đi bằng chiếc xe Vespa màu xanh đến nơi thực hiện nhiệm vụ, lúc đó tôi mới biết, đó chính là nhiệm vụ đi làm bài thi Toán, Lý và Hóa cho kỳ thi Tú tài bán phần năm 1970 cho một số người bà con thân thuộc của ông và một số người khác. Tôi còn nhớ khá rõ việc lấy đề thi trong phòng ra rồi chuyển cho tôi. Lúc tôi đọc đề thi thì mọi người im lặng, cũng may cho tôi đã giải xong các đề thi trong thời gian ngắn, không quá 20 phút. Xung quanh tôi lúc đó có khoảng 5 - 7 người sao chép điên cuồng bài làm của tôi bằng cách viết tay. Sau đó các bài làm được gửi vào trở lại trong phòng thi cho các thí sinh đang thi. Kết quả là hai người cháu ruột của thầy đã đỗ được Tú tài bán phần năm đó, sau này tôi mới biết hai bạn đó ở đâu và đã qua hai năm thi trước đó đều không đỗ. Công việc của tôi lúc đó được coi như là một nhiệm vụ thầy giao phải làm hoàn toàn chưa được trả công. Đó là một việc làm vi phạm pháp luật mà đến giờ tôi mới biết. Sau đó thầy đã trả công cho tôi bằng cách giới thiệu cho tôi với ông Tôn Thất Tùng, là Thị trưởng Thị xã Huế để tôi được làm gia sư cho hai đứa con trai của ông sau khi ông được thăng chức vào làm lãnh đạo trong Bộ Nội vụ chính quyền Việt Nam ở Sài Gòn, gia sư hồi đó chỉ được cho ở và ăn cơm, hoàn toàn không có phụ cấp gì thêm! Cuộc đời tôi từ đó cũng đã có nhiều thay đổi, vừa có những thuận lợi hơn nhưng cũng gặp nhiều khó khăn hơn”…
Dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, vất vả, mất mát trong cuộc sống nhưng với quyết tâm và cố gắng của bản thân, Phan Phước Hiền đã vượt qua tất cả để nỗ lực vươn lên và duy trì kết quả học tập tốt cũng là để trở thành niềm tự hào của gia đình và mơ ước thay đổi cuộc sống khó khăn bằng con đường học tập vì đó là con đường duy nhất nuôi dưỡng giấc mơ của ông ngày bấy giờ.
Một chặng đường dài
Từ năm 1978, sau khi tốt nghiệp đại học cho đến năm 2005, Phan Phước Hiền đã theo học sau đại học và nhiều chương trình tu nghiệp chuyên ngành ngắn hạn tại nhiều viện và trường đại học có chất lượng đào tạo cao trong nước và quốc tế, có thể kể đến như: Thực tập sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ (Đề án 322 đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước cùng với học bổng của chính phủ Pháp) tại Viện Bách khoa Quốc gia Toulouse (INP), Đại học Paul Sabatier (UPS) và Trường Đại học Nông nghiệp Quốc gia (ENFA) Toulouse Cộng hòa Pháp (1997-2003); Tu nghiệp và biên soạn giáo trình “Biochemical Modern Methods”, Đại học Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm ENSAIA (École Nationale Supérieure d’Agronomie et des Industries Alimentaires) Nancy, Viện Bách khoa Quốc gia Lorraines (Institut National Polytechnique de Lorraine - INPL) Cộng hoà Pháp (2005); Tu nghiệp và viết sách chuyên ngành về phương pháp phân tích các cấu tử hương trong lúa gạo của Pháp và Việt Nam (Méthodes d’analyse des arômes du riz) tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Quốc tế Cộng hòa Pháp (International Center for Agriculture Research and Development).
Trong thời gian học tập nghiên cứu và tu nghiệp ở Cộng hòa Pháp, ông đã sáng lập và được bầu làm Chủ tịch Hội Thanh niên Việt Nam tại Tp. Toulouse (2002 - 2003).
PGS.TS. Phan Phước Hiền trong những ngày thực tập phương phap CO2 siêu tối hạn tại Marseille Pháp
Từ đó đến nay, PGS.TS. Phan Phước Hiền cũng đã đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau tại nhiều đơn vị ở Đồng bằng sông Cửu Long và Tp. Hồ Chí Minh như:
1977 - 1983: Trưởng phòng Thí nghiệm Hóa - Vi sinh kiêm Trưởng Bộ phận Kế hoạch Tổng hợp, Phòng Kiểm nghiệm Hàng hóa Xuất - Nhập khẩu Tây Nam Bộ thuộc Bộ Ngoại thương tại Cần Thơ (nay là Bộ Công thương);
1987 - 1992: Phó Giám đốc, quyền Giám đốc, Xí nghiệp Chế biến Thực phẩm tỉnh Hậu Giang;
1993 - 1995: Trưởng phòng Quản lý Khoa học Công nghệ, kiêm Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Trưởng phòng Thông tin Tư liệu và Sở hữu Công nghiệp, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Công nghệ, thuộc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên Thường trực dự án cấp Nhà nước KX08 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.
1995 - 2002: Điều phối viên 9 dự án cấp Nhà nước và cấp Bộ, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long;
2003 - 2014: Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Hợp tác Quốc tế kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Hóa sinh Hóa dược Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh.
2007 - 2008: Cố vấn Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Ban Quản lý khu nông nghiệp cao Tp. Hồ Chí Minh (kiêm nhiệm). 2014 - 2015: Sáng lập và phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Phát triển tài nguyên quý và dược liệu, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
2011 đến nay: Cố vấn cấp cao và chuyên gia tại Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam Hàn Quốc (KVIP).
PGS.TS. Phan Phước Hiền cùng với môt giáo sư hướng dẫn thực nghiệm tại trường ĐH Paul Sabatier, Cộng hòa Pháp 2003
Từ năm 2015 đến nay, ông vẫn đang tiếp tục tham gia quản lý đào tạo, giảng dạy và hướng dẫn tốt nghiệp cho nhiều sinh viên đại học, cao học và nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Nông lâm, Trường Đại học Bách Khoa và nhiều viện trường đại học khác ở Tp. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long như:
- Trưởng khoa Khoa học Thực phẩm và Sự sống, Trường Đại học Hùng Vương Hồ Chí Minh do ông sáng lập (2015 - 2017),
- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Dược liệu Sài Gòn: Từ tháng 3/2016, ông chủ trì cùng với một số nhà doanh nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh sáng lập và được bầu làm Viện trưởng. Ông cũng kiêm nhiệm chức vụ Phân Viện trưởng Phân viện Dược liệu Tây Nguyên trực thuộc Viện này.
- Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu Khoa học, Trường Đại học Nam Cần Thơ (2016 - 2018),
- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ cao Văn Lang (2018 - 2019),
- Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Ứng dụng (IAST) Trường Đại học Văn Lang từ năm 2019 đến nay. Đây là mô hình viện vừa có chức năng đào tạo vừa có chức năng nghiên cứu trong một trường đại học tư thực. Tại đây ông đã chủ trì xây dựng đề án mở ngành học Nông nghiệp Công nghệ cao được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2020 (QĐ số 1026/QĐ-BGDĐT ngày 24/4/2020).
Đặc biệt vào cuối năm 2020, ông đã cùng với Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế sáng lập Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Công nghệ - là một loại hình doanh nghiệp khoa học công nghệ liên kết với doanh nghiệp đầu tiên trong trường đại học công lập tại Huế, đây là nơi ông đã được học tập tốt nghiệp bậc đại học với hạng “ưu cao nhất”. Ông đã được bổ nhiệm Phó Viện trưởng, phụ trách Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển công nghệ.
Lễ ký kết hợp tác với Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế ngày 31/12/2020.
Cùng với đam mê học tập và niềm hy vọng thay đổi cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn, PGS.TS. Phan Phước Hiền không ngừng nâng cao hiểu biết và năng lực của mình cũng như những vai trò công tác khác nhau không chỉ thử thách bản thân mà còn góp phần xây dựng đất nước trên nhiều phương diện.
Có thể nói, mỗi chặng đường ông đi qua, kiến thức lại dài thêm vô tận. Cũng từ những “con đường trí thức dài vạn dặm” ấy, sự hiểu biết và tích lũy của ông càng có ích cho tương lai. Ở bất kỳ cương vị, trọng trách nào, ông vẫn hoàn thành tốt mọi trách nhiệm được giao, đến với nghề bằng tất cả tài năng và tâm huyết, ông xứng đáng với sự tin cậy, kính trọng và yêu quý từ bạn bè, đồng nghiệp, các thế hệ sinh viên, học viên.
Con đường nghiên cứu khoa học
Trong suốt quá trình học tập nghiên cứu của mình, PGS. TS. Phan Phước Hiền đã tham gia nhiều đề tài dự án nghiên cứu các cấp và dự án hợp tác quốc tế. Ông từng là Chủ nhiệm/Điều phối viên 09 dự án cấp Nhà nước; Chủ nhiệm: 02 đề tài hợp tác quốc tế với Pháp (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Quốc tế: CIRAD) về “Các phương pháp hiện đại phân tích định lượng các cầu tử hương trong lúa gạo Việt Nam”; Hàn Quốc (Viện Nghiên cứu lượng Quốc gia Hàn quốc: KFRI) về “Công nghệ chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ lúa gạo của Việt Nam”; đồng thời ông cũng là thành viên chủ lực của 02 dự án quốc tế về: “Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân tạo giống cây trồng” do Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc tế chủ trì và tài trợ; dự án “Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam Hàn Quốc” (KVIP) (hiện vẫn đang triển khai); Chủ nhiệm 01 đề tài trọng điểm cấp Bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo): “Chiết xuất hoạt chất thứ cấp từ cây cỏ Việt Nam làm thực phẩm chức năng, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật” (đã nghiệm thu 2006); Chủ nhiệm 03 đề tài cấp Tỉnh và Thành phố trực thuộc trung ương: Thừa Thiên Huế: “Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ sinh học hiện đại gây đột biến giống lúa”; Bà Rịa Vũng Tàu: “Chiết xuất, bào chế và thử nghiệm hiệu lực tác dụng tăng lực tráng dương của cây Thiên Niên Kiện”; Bạc Liêu: “Nghiên cứu phát triển nuôi ong Ý lấy mật và áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng mật ong theo hướng sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng xuất khẩu”. Ông cũng đã chủ nhiệm hàng chục đề tài dự án nghiên cứu ứng dụng do Ủy ban nhân dân huyện, các doanh nghiệp đặt hàng,...
Tính đến nay, kết quả nghiên cứu khoa học của PGS.TS. Phan Phước Hiền đã được công bố 160 công trình khoa học trên nhiều cuộc hội nghị khoa học và trên tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước, trong đó ông đã được liên đoàn khoa học thế giới bầu làm Chủ tịch Hội nghị Toàn cầu về “Công nghệ Thực phẩm và Probiotics” (World - wide International Conference on “Food technology and Probiotics 2019”, October 24-26th Bangkok Thailand,...)
Hiện nay ông đang là Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Quốc tế Đông Nam Á: Southeast Asian Journal of Sciences. Thêm vào đó, ông còn là tác giả của 04 cuốn sách chuyên khảo và 01 giáo trình, trong đó có hai cuốn viết bằng tiếng Pháp, đã được thẩm định, xác nhận sử dụng của nhiều đơn vị khoa học uy tín như: “Hoạt chất Rotenone, nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc trừ sâu thảo mộc triển vọng tại Việt Nam”, Nhà xuất bản Nông nghiệp, 2008, do nhà nước đặt hàng; “Méthodes d’analyse et d’expérience Biochimique modern” (Các phương pháp phân tích và thí nghiệm hóa sinh hiện đại), 2005, viết tại Đại học Nancy do AUF tài trợ và được xuất bản chính thức tại Nhà xuất bản Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh năm 2009,… Ông còn là chủ biên 01 cuốn giáo trình phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy môn Hóa Lý, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2010, ông được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước phong tặng danh hiệu Phó Giáo sư như một sự ghi nhận cho những cống hiến của ông đối với khoa học.
Mặc dù giờ đây, đã trải qua 44 năm cống hiến trong nghề, đạt được nhiều thành tựu và đóng góp thiết thực cho nền khoa học nước nhà, ông luôn giữ trọn tâm sáng của một người thầy, người quản lý và người làm khoa học.
PGS.TS. Phan Phước Hiền được phong PGS tại Văn miếu Quốc tử giám 2010
Có thể nói, với quyết tâm và ý chí học tập mãnh liệt của mình, dù chặng đường đi đến thành công nhiều chông gai vất vả, PGS.TS. Phan Phước Hiền vẫn không ngừng nghỉ và vinh quang đã đến với ông từ niềm tin về những điều tốt đẹp sẽ mở ra sau cánh cửa tri thức. Cho đến tận bây giờ, khi đã bước qua nhiều cánh cửa khác nhau, nhưng niềm khao khát học tập, nghiên cứu, tìm tòi những điều mới mẻ vẫn luôn thôi thúc trong lòng, nhà khoa học ấy vẫn không ngừng cố gắng, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Chúng tôi chúc PGS.TS. Phan Phước Hiền luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục vững bước trên con đường ông đã chọn!
Nguồn: TVO