Bé 8 tuổi mắc đái tháo đường

    0
    297

    Bé gái 8 tuổi, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, xét nghiệm tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương đường huyết 26,1 mmol/l, bác sĩ chẩn đoán đái tháo đường type 1, tuổi hiếm gặp.

    Bé có dấu hiệu mất nước, được điều trị bù dịch, kiểm soát đường huyết bằng insulin, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Sau gần một tuần điều trị, hiện sức khỏe bé cải thiện, đường huyết đã ổn định hơn, dự kiến ra viện và điều trị ngoại trú trong vài ngày tới.

    Ngày 12/2, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, khoa Nội tiết, cho biết đái tháo đường type 1 là bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng. Vì vậy, đái tháo đường type 1 được gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin. Nếu không có insulin, glucose trong máu không thể đi vào tế bào và tích tụ dần trong máu dẫn đến tăng đường máu, trong khi các tế bào lại bị "đói năng lượng" do không thể tiếp nhận được glucose.

    "Lượng đường trong máu tăng cao kéo dài sẽ gây hại cho cơ thể, gây nhiều biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Tuấn nói. Đái tháo đường type 1 thường ở trẻ em và người trẻ, chủ yếu độ tuổi 10-14, như em bé này mới 8 tuổi là trường hợp ít gặp.

    Bé 8 tuổi mắc đái tháo đường

    Một em bé mắc tiểu đường điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh: T. Quỳnh

    Đái tháo đường type 1 chiếm khoảng 5-10% số người bệnh đái tháo đường nói chung, trong đó 95% trường hợp nguyên nhân là do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân. Một số yếu tố nguy cơ khác như nhiễm virus coxsackie, rubella, cytomegalo... Một số em bé có chế độ ăn tiếp xúc sớm với sữa bò cũng liên quan tới việc khởi phát bệnh.

    Bác sĩ Tuấn cho biết nhiều người nhầm tưởng đái tháo đường type 1 là bệnh lý di truyền. Thực tế, bệnh không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền, tuy nhiên nguy cơ mắc đái tháo đường type 1 cao hơn nếu người thân trực hệ, như cha mẹ, anh chị em, bị bệnh này.

    Các triệu chứng là khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm ở trẻ chưa bị trước đây. Khi người bệnh kèm đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín (táo chín...), cần đến bệnh viện điều trị.

    Hiện, để điều trị đái tháo đường type 1, người bệnh bắt buộc sử dụng insulin, điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp, hoạt động thể lực vừa phải. Ở trẻ em, ngoài kiểm soát đường huyết phải đảm bảo mục tiêu về tăng trưởng và phát triển bình thường. Theo dõi đường huyết tối thiểu 4 lần/ngày để điều chỉnh liều lượng insulin dựa theo đường máu. Thay đổi luân phiên vị trí tiêm insulin cũng như vị trí thử đường huyết để có kết quả tốt nhất.

    Theo bác sĩ Tuấn, hiện chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh đái tháo đường type 1. Người bệnh cần khám định kỳ để bác sĩ theo dõi và điều chỉnh phác đồ điều trị.

    Nguồn Vnexpress

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!