Loài cúc họa mi ở Nam Phi 'tạo ra' ruồi cái giả 3D trên cánh hoa để dụ con đực tới thụ phấn. Các nhà khoa học mới đây đã giải mã cơ chế bí ẩn này.
Hình ảnh cúc họa mi Nam Phi tạo ra một con ruồi cái giả 3D để dụ ruồi đực thụ phấn - Ảnh: ĐẠI HỌC CAMBRIDGE
Loài cúc họa mi hết sức độc đáo này là Gorteria diffusa. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã bị khả năng đánh lừa ấn tượng của chúng mê hoặc.
Chúng đã làm điều đó như thế nào? Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Current Biology số tháng 3 đã vén màn bí mật: có ba bộ gene "góp sức" tạo ra ruồi cái giả trên cánh hoa cúc họa mi.
Điều ngạc nhiên lớn nhất là ba bộ gene này vốn phục vụ các mục đích khác nhau trong cây: một bộ điều chỉnh thời điểm ra hoa, một bộ vận chuyển sắt và một bộ tạo ra lông hút ở rễ.
Và, bằng một cách nào đó, chúng đã kết hợp để tạo ra những con ruồi cái giả 3D. Cụ thể, các gene luân chuyển sắt làm thay đổi sắc tố của cánh hoa từ màu cam tự nhiên sang màu xanh lam bằng cách bổ sung thêm sắt. Các gene tạo lông làm cho lông mọc ra trên cánh hoa. Các gene còn lại quyết định vị trí của ruồi giả trên những cánh hoa.
"Loài cúc này không phát triển một gene mới tạo ra hình ảnh ruồi cái 3D. Thay vào đó, nó đã làm một thứ thậm chí còn thông minh hơn: nó tập hợp các gene vốn làm những việc khác ở các bộ phận khác nhau của cây để tạo ra một hình ảnh ruồi cái trên cánh hoa nhằm dụ dỗ ruồi đực", giáo sư Beverley Gloverm, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Các nhà nghiên cứu nói chính những con ruồi cái giả mang lại lợi thế tiến hóa cho loài cúc họa mi này, bằng cách thu hút nhiều ruồi đực hơn đến thụ phấn cho nó.
Mùa cúc họa mi nhộn nhịp từ vườn ra phố Hà Nội
"Ruồi đực không ở lâu trên những cánh hoa cúc này, nhưng chúng bị thuyết phục bởi những con ruồi cái giả đến nỗi chúng dành thêm thời gian để cố gắng giao phối và cọ xát nhiều phấn hoa hơn trên bông hoa, giúp thụ phấn cho nó", tiến sĩ Roman Kellenberger thuộc nhóm nghiên cứu mô tả.
Ở Nam Phi, thực vật sống trong môi trường sa mạc khắc nghiệt chỉ có một mùa mưa ngắn ngủi để phát triển hoa, thụ phấn và gieo hạt trước khi chúng chết. Kết quả là có một sự cạnh tranh khốc liệt để thu hút các loài thụ phấn.
Nhờ những cánh hoa mang ruồi cái giả, hoa cúc họa mi Nam Phi nổi bật hơn hẳn.
Nhóm thực vật này còn tương đối trẻ về mặt tiến hóa so với hầu hết các sinh vật sống khác. Chúng chỉ mới xuất hiện được 1,5 - 2 triệu năm.