Một số F0 nặng có thể để lại vết sẹo trong phổi hoặc các dãy xơ… cần tập thở, tăng khả năng trao đổi khí ở các vùng còn lại khi nó không bị xơ.
Lợi dụng tâm lý lo lắng của F0 về ảnh hưởng hậu Covid-19 tới phổi, thị trường thuốc bổ phổi, thanh lọc, thải độc phổi… bùng nổ với quảng cáo “thần thánh” khiến bệnh nhân lạc vào “ma trận”.
Trong khi đó, bác sĩ khuyến cáo, không có biện pháp nào gọi là thanh lọc phổi với bệnh nhân hậu Covid-19.
Nhiều loại sản phẩm bổ phổi, thải độc phổi được rao bán tràn lan trên mạng với đủ các mức giá khác nhau
Hoa mắt với các loại thải độc phổi
Mặc dù đã khỏi Covid-19 được hơn 2 tuần nhưng chị Nguyễn Phương Thúy (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn húng hắng ho mãi không dứt. Dù đã dùng nhiều loại thuốc ho, bổ phế nhưng chưa thấy giảm, chị lo ho lâu sẽ ảnh hưởng tới phổi.
Nghe lời bạn bè rỉ tai “uống thêm viên bổ phổi, thanh lọc phổi của Nhật rất tốt”, chị Thúy vội tìm kiếm. Chỉ cần gõ từ “thanh lọc phổi” trên Google, hàng trăm loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo bổ phổi, thanh lọc, thải độc phổi hiện lên khiến chị bối rối không biết loại nào thật sự tốt.
“Chỉ riêng với loại lọc phổi Nhật Tsumura, cam kết chính hãng thì cũng mỗi nơi rao 1 giá, dao động từ 950 nghìn đồng – 1,25 triệu đồng/hộp; hay viên uống thanh lọc phổi Healthy Care Original Lung Detox (loại 180 viên, xuất xứ Úc) nơi bán 650 nghìn đồng, chỗ 750 nghìn đồn/hộp. Mà nơi nào cũng khẳng định hàng chính hãng, có hóa đơn mua hàng cả”, Chị Thúy cho hay.
Ghi nhận nhanh trên chợ thuốc online, vô số sản phẩm bổ phổi, thanh lọc phổi được rao bán, từ loại sản xuất trong nước với giá cả khá “mềm” từ 50 nghìn đồng - 200 nghìn đồng/hộp đến các loại nhập khẩu từ Nhật, Úc, Nga với đủ loại giá cao ngất.
Cụ thể: Siro kháng khuẩn thanh lọc phổi TheartDetox Lung có giá 250 nghìn đồng/lọ; viên bổ phổi Xtend Life Lung Support Plus được quảng cáo “bảo vệ, hồi phục sức khỏe phổi sau khi mắc Covid-19 như giảm thở hụt hơi, tức ngực, khó thở…” có giá từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/hộp; Hay viên bổ phổi Kobayashi được giới thiệu là “tuyệt chiêu làm sạch phổi, thổi bay Covid-19” có giá từ 750 nghìn đồng - 820 nghìn đồng/hộp… Đa phần đều có thành phần từ các loại thảo dược.
Hiện, có nhiều người tin dùng các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng vì cho rằng chúng an toàn và ít gây tác dụng phụ so với thuốc.
Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ôxy Cao áp Việt Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng cho biết: “Trong quá trình tư vấn cho bệnh nhân mắc Covid-19 và gặp vấn đề hậu Covid-19, tôi gặp không ít bệnh nhân sử dụng đồng thời rất nhiều loại thuốc bổ gan, bổ phổi, tăng cường miễn dịch, nghe ai nói gì mua nấy.
Điều này rất bất hợp lý, và hoàn toàn không cần thiết. Chưa đánh giá hết được việc dùng quá mức sẽ có hại đến đâu nhưng việc dùng đồng thời nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị”.
Cũng theo ông Hoàng, người bệnh không nên quá kỳ vọng vào các sản phẩm được quảng cáo bổ phổi, thanh lọc phổi, vì thực chất nó chỉ mang tính chất hỗ trợ.
Do vậy, nếu có dùng chỉ nên dùng 1 loại có xuất xứ rõ ràng, uy tín. Không nhất thiết phải dùng loại đắt tiền, nhập ngoại trong khi hiệu quả đến đâu chưa đánh giá được.
Giữ tinh thần ổn định, tập thở là đủ
Trước lo ngại của không ít F0 về việc ho kéo dài dù đã âm tính, BS. Huy Hoàng cho biết: “Cần khẳng định không phải ho nhiều sẽ lan xuống phổi. Nhiều người đang lo lắng thái quá. Nguyên nhân do tổn thương bởi virus đối với đường hô hấp, gây sẹo nên kích thích gây ho kéo dài.
Trong thời gian gần đây, qua thăm khám, số trường hợp tự ý sử dụng thuốc Đông y, thảo dược để bồi bổ cơ thể có dấu hiệu gia tăng, trong đó có khá nhiều trường hợp tự ý dùng thuốc.
Nhiều bệnh nhân mang tâm lý chung là thuốc từ thảo dược lành tính, không gây hại. Họ nghe lời chỉ dẫn của người quen uống để bồi bổ, tăng cường thể trạng trong mùa dịch. Kết quả xét nghiệm cho thấy, không ít bệnh nhân men gan tăng cao, giảm độ lọc cầu thận.
BS. Trần Thu Nga, Phòng khám Y học cổ truyền cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Ho khan có thể điều trị đơn giản bằng việc dùng mật ong với gừng, tỏi hoặc mật ong với chanh, quất… hoặc có thể dùng thuốc (thuộc nhóm chống dị ứng thế hệ đầu) rất rẻ tiền và hiệu quả. Bên cạnh đó, ăn đủ chất, uống đủ nước cũng giúp giảm các cơn ho khan”.
Cũng theo BS. Hoàng, với F0 và hậu Covid-19 quan trọng nhất là ăn uống đầy đủ, vận động hợp lý; giữ tinh thần ổn định và đều đặn tập các bài tập thở là đủ, đây chính là “liều thuốc” giúp phục hồi tốt nhất cho phổi.
Người bệnh cần tỉnh táo trước lời quảng cáo “thần thánh” về sản phẩm bổ phổi, thanh lọc phổi trên thị trường “ảo”.
Còn theo BS. Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, nhiễm Covid-19 là do virus, do vậy không có chuyện phải thanh lọc phổi.
Một số trường hợp bị Covid-19 nặng, có thể để lại vết sẹo trong phổi hoặc các dãy xơ… cũng chỉ cần tập thở, tăng khả năng trao đổi khí ở các vùng còn lại khi nó không bị xơ.
Những vết xơ ở phổi sẽ tự khỏi sau khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, vết xơ đó có thể làm cho bệnh nhân khó chịu, ngộp thở, không có sức khi vận động mạnh. Và để khắc phục thì tập thở là phương pháp hiệu quả nhất.
“Hậu Covid-19 liên quan đến hô hấp, người bệnh chỉ cần tự vận động, tập luyện thở, tẩm bổ và sẽ hết trong tương lai. Nếu ho đến mức khó chịu thì sử dụng thuốc ho bình thường.
Nếu ho lâu mà chưa biết rõ nguyên nhân thì cần phải khám để chẩn đoán, điều trị hiệu quả nhất. Không có biện pháp nào gọi là thanh lọc phổi với bệnh nhân hậu Covid-19”, ông Khanh khuyến cáo.