GS Morten Peter Meldal (ĐH Copenhagen, Đan Mạch), chủ nhân giải Nobel Hoá học năm 2022, lần đầu tiên đến Việt Nam. Ông đã có bài thuyết giảng về Phản ứng Click và đưa ra lời khuyên cho sinh viên Việt Nam.
Tại lễ khai mạc "Hội thi Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc lần thứ 11, năm 2023" do Trường ĐH Tự nhiên - ĐHQG TP HCM tổ chức chiều 18-4, GS Morten Peter Meldal đã có những chia sẻ với sinh viên xoay quanh việc nghiên cứu khoa học, đặc biệt là Hóa học.
GS Morten Peter Meldal, chủ nhân giải Nobel Hóa học 2022 chia sẻ về hành trình đến với giải Nobel của bản thân
Ông cho biết từ nhỏ mình đã có cơ hội tiếp xúc với thế giới tự nhiên qua những buổi dã ngoại của gia đình, kèm theo đó ông liên tục đặt ra những câu hỏi về vạn vật xung quanh, tình yêu với khoa học bắt đầu từ đó. GS Morten Peter Meldal cho hay ông lựa chọn ngành Hóa học để nghiên cứu vì nhận thấy Hóa học là tất cả, nó có ở bất cứ đâu và không nên có sự hạn chế trong nghiên cứu Hóa học.
"Chúng ta nên truyền cảm hứng cho người trẻ về sự yêu thích hóa học thông qua nhiều hình ảnh sinh động. Các em hãy mạnh dạn theo đuổi ngành học với tình yêu và sự kiên trì" - GS Morten Peter Meldal nói.
Tham dự tại buổi lễ, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM chia sẻ nghiên cứu khoa học hiện nay còn nhiều ràng buộc, đặc biệt là về tài chính. Bây giờ ở Việt Nam theo thống kê cứ 4 người thì 1 học kinh tế quản lý, câu hỏi đặt ra là kinh tế quản lý có thực sự cần nhiều hơn những nhà khoa học không? Làm thế nào để định hướng cho người trẻ chọn con đường khoa học?
PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM trao đổi với GS Morten Peter Meldal
Trả lời vấn đề này, GS Morten Peter Meldal cho hay ở Đan Mạch có rất nhiều quỹ tài trợ cho nghiên cứu đến từ các tập đoàn, công ty lớn, các quỹ sẽ tài trợ cho nghiên cứu cơ bản chứ không yêu cầu nghiên cứu ứng dụng, do đó thúc đẩy tự do trong nghiên cứu rất nhiều. Quỹ tài trợ của quốc gia cũng càng ngày đi theo xu hướng tăng tính không ràng buộc trong nghiên cứu đối với các nhà khoa học, kể cả về mặt tài chính hay thời gian.
Riêng về nghiên cứu, Đan Mạch luôn có những chính sách đặc biệt, tạo nên sự thoải mái nhất cho các nhà khoa học. Đan Mạch phân chia rất rạch ròi giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, mỗi loại sẽ có những yêu cầu riêng biệt, họ đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu cơ bản vì nó cần thời gian rất dài để tự do phát triển. Từ sự tự do phát triển đó sẽ đem lại những ứng dụng có giá trị cho xã hội.
Làm sao để người trẻ yêu thích khoa học vẫn là vấn đề lớn của cả thế giới. Giới trẻ lựa chọn khoa học sau những ngành như luật sư, bác sĩ, kinh doanh... là xu hướng chung trên thế giới, bởi con đường kích thích khoa học còn nhiều khó khăn. Sự yêu thích nghiên cứu phải bắt đầu từ nhỏ, từ việc người trẻ phải biết đặt những câu hỏi và có sự tò mò và họ được tạo dựng những cơ hội khám phá những điều đó. Với những người trẻ hiện nay chúng ta phải tin tưởng họ, cho họ những thử thách để họ làm và vượt qua thử thách.