Yêu thương con cái đúng cách là bố mẹ cần phải biết buông tay và trao cho trẻ nhiều cơ hội để tự lập hơn.
Gần đây, trên Weibo Trung Quốc đang có một lượt tìm kiếm nóng về một cậu bé tên Ziyu, sống ở Lục Bàn Thủy, tỉnh Quý Châu. Theo đó, cậu bé mới 7 tuổi nhưng đã có thể tự nấu hơn 20 món ăn khác nhau. Thậm chí, cậu bé còn có thể lo cơm nước cho cả nhà.
Được biết, cách đây 2 năm, Ziyu đã xin mẹ được học nấu ăn. Tức là lúc đó khi mới 5 tuổi, cậu bé đã bắt đầu học nấu ăn. Sau ngần ấy thời gian, cậu bé bây giờ đã có thể nấu nướng một cách thuần thục.
Ziyu biết nấu ăn từ rất sớm.
Người mẹ có trách nhiệm đứng bên cạnh trông chừng khi Ziyu đang thái rau. Người mẹ nói: “Trẻ con rất thích nấu ăn. Dù là con trai vẫn cần tự lập, biết nấu nướng”.
Khi video cảnh cậu bé nấu ăn một cách thuần phục trong bếp được chia sẻ lên mạng, mọi người đều tỏ ra ngưỡng mộ và ghen tị. Một số người còn thừa nhận rằng, dù đã lớn nhưng họ không thể nấu gì khác ngoài mì tôm, cơm và bánh bao.
Làm thế nào một đứa trẻ có thể làm được những việc như vậy khi ở độ tuổi còn quá nhỏ. Trên thực tế, bố mẹ cần phải học cách buông tay, biết rút lui đúng lúc để cho con cái khoảng trống trưởng thành. Nếu bố mẹ làm thay con quá nhiều, thích kiểm soát, trẻ sẽ luôn phụ thuộc vào người khác và không bao giờ học được cách tự lập.
Sau đây là những điều bố mẹ nên làm nếu muốn con mình tự lập:
- Bố mẹ buông tay để con cái tự làm những việc bản thân có thể
Nhà giáo dục người Ý Maria Montessori từng nói: “Đừng bao giờ giúp một đứa trẻ hoàn thành nhiệm vụ khi chúng nghĩ mình có thể làm được”. Sự chăm sóc quá chu đáo này của bố mẹ tưởng chừng đó là tình yêu thương nhưng thực chất lại gây hại cho trẻ.
Không khó để nhận thấy trong cuộc sống có nhiều bố mẹ rất thích làm thay cho con cái. Hậu quả của việc này là trẻ không thể dựa vào kinh nghiệm của bản thân để trưởng thành, từ đó thiếu tự tin khi làm việc sau này.
Khi gặp khó khăn, trẻ dễ dàng muốn rút lui, không dám bày tỏ ý kiến. Điều này là do trẻ chưa từng cảm nhận được thành tựu khi tự mình hoàn thành một việc nào đó. Nó cũng góp phần khiến đứa trẻ sống thiếu ý thức trách nhiệm.
- Bố mẹ trao cho con cái cơ hội để chúng có thể tự lập
Nhà tâm lý học người Mỹ Jane Nelson từng nói: “Trẻ em ngày nay được bố mẹ nhân danh tình thương, chỉ nhận mà ít khi cho đi, không cần nỗ lực quá nhiều, thậm chí coi một số điều như là hiển nhiên. Một số bố mẹ có xu hướng áp đảo hoặc bảo vệ con cái quá mức, vô tình tước đi cơ hội để trẻ tin rằng bản thân có thể làm được”.
Khi bố mẹ biết lùi một bước, họ hiểu rằng việc dành quá nhiều tình thương cho con cái sẽ mang lại gánh nặng. Trẻ không những không được là chính mình mà còn không có được sự tôn trọng của người khác.
Chính vì thế, bố mẹ nên trao cho con cái nhiều cơ hội để rèn luyện khả năng tự lập, tự làm những việc bản thân có thể. Bố mẹ khôn ngoan sẽ biết lùi một bước để con cái tiến xa hơn.
- Bố mẹ nên có ý thức về ranh giới
Nhà tâm lý học Bert Hellinger từng nói: “Gia đình tốt là phải có ranh giới”. Trong gia đình, bố mẹ cần dành cho con cái sự tôn trọng tối đa.
Một cậu bé 14 tuổi ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã gọi điện cho cảnh sát nói rằng, người cha đã lắp camera trong phòng để theo dõi cậu. Cậu bé cho biết, do bố sợ con ham chơi game nên muốn lắp camera để theo dõi nhất cử nhất động của con mình.
Khi cảnh sát gọi người cha lên đồn thì ông nói: “Tôi không có quyền giám sát con mình sao? Tôi là bố của nó đấy! Con cái có quyền riêng tư sao?”. Mặc dù người cha muốn theo dõi tình hình học tập của con cái nhưng lại không biết rằng, cách làm này thực sự xâm phạm quyền riêng tư của đứa trẻ.
Nhiều bậc cha mẹ có quan niệm rằng, con cái là do mình sinh ra và nuôi dưỡng, đương nhiên họ có quyền can thiệp vào mọi việc của con. Tuy nhiên, tình yêu mà không có ranh giới sẽ khiến con cái cảm thấy ngột ngạt, bị phụ thuộc và không thể được sống cho chính mình.
Vì thế, đặt ra ranh giới trong gia đình là điều bố mẹ nên làm. Trẻ em là những cá thể độc lập, hãy cho chúng không gian riêng để có thể được làm những việc mình thích.
- Bố mẹ trao niềm tin cho con cái
Một số nghiên cứu tâm lý cho thấy, trẻ chỉ sẵn sàng cải thiện bản thân khi chúng được tôn trọng. Dù trẻ có làm gì đi chăng nữa, bố mẹ cũng nên bình tĩnh đón nhận và khuyến khích.
Nhà tâm lý học Jane Nelson từng nói: “Bố mẹ vô tình tước đi cơ hội phát triển kỹ năng sống của con cái vì nghĩ rằng mình tự làm dễ hơn, nhanh hơn và tốt hơn. Họ hoàn toàn không nghĩ tới những hệ lụy và những ảnh hưởng tiêu cực sau này”.
Động lực của trẻ đến từ sự tin tưởng của bố mẹ. Khi bố mẹ tin tưởng và khuyến khích trẻ “con có thể làm được”, trẻ sẽ có thêm can đẩm để thách thức mọi khó khăn, trở ngại.
Nếu bố mẹ luôn nghĩ rằng, con cái còn quá nhỏ để làm những việc mà lẽ ra trẻ có thể tự làm, chúng sẽ dần thiếu tự tin vào bản thân, thiếu quyết đoán khi gặp vấn đề, không dám làm gì cả.
Theo Phan Hằng (Theo QQ) (Báo GT)