• Trang chủ
  • Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi cấp 3

    Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi cấp 3

    0
    72

    Ông Vương Tấn Việt, tức Thượng tọa Thích Chân Quang, không có tên trong danh sách thi tốt nghiệp cấp ba năm 1989 ở TP HCM, theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.

    Thông tin được ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nói với VnExpress sáng 13/8.

    Việc xác minh văn bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt, 65 tuổi, được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM thực hiện theo đề nghị của Ban Tôn giáo Chính phủ. Trước đó hồi tháng 6, khi có thông tin về bằng tiến sĩ của ông Việt do trường Đại học Luật Hà Nội cấp, một số người nghi ngờ bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa (hệ tại chức) của người này, thi tại hội đồng trường Trung Nhất, quận Phú Nhuận (TP HCM), vào ngày 6/6/1989.

    Kết quả rà soát, ông Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM. Ông cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 tại thành phố.

    VnExpress đã liên hệ với chùa Thiền Tôn Phật Quang (nơi Thượng tọa Thích Chân Quang trụ trì) ở xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng người đại diện ở đây cho biết chưa nắm thông tin, sẽ kiểm tra và liên lạc sau.

    Thượng tọa Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Thiền Tôn Phật Quang trong lễ Phật đản 2024. Ảnh: Thiền tôn Phật Quang

    Thượng tọa Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Thiền Tôn Phật Quang trong lễ Phật đản 2024 hồi tháng 5. Ảnh: Thiền tôn Phật Quang

    Bằng tiến sĩ của ông Việt (bảo vệ ngày 9/12/2021) khi công bố được cho chưa đủ thời gian học theo quy định. Cụ thể, ông lấy bằng tiến sĩ khi mới tốt nghiệp cử nhân luật hệ tại chức năm 2019, tức chỉ cách hai năm. Trong khi theo Thông tư 18 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều kiện làm tiến sĩ phải là thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi ngành phù hợp, thời gian học 3-4 năm.

    Trường Đại học Luật Hà Nội sau đó báo cáo theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định việc cấp bằng tiến sĩ cho ông Việt trong thời gian hai năm ba tháng là đáp ứng và tuân thủ quy chế Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng quyết định của trường.

    PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, cho biết trường chưa nhận được thông tin ông Việt không có bằng tốt nghiệp bổ túc THPT. Trong trường hợp ông Việt chưa tốt nghiệp cấp 3, trường sẽ xử lý theo quy định.

    Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu sử dụng bằng giả, học viên sẽ bị thu hồi các bằng cấp cao hơn dù thực tế có đi học.

    Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định bằng cấp duy nhất yêu cầu đối với nhà sư là trung cấp Phật học, được sử dụng để bổ nhiệm trụ trì chùa. Các cấp bậc trong Phật giáo như Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng là những tôn xưng do người khác nêu lên để tỏ sự kính trọng đối với vị tu sĩ Phật giáo có trí tuệ, đức độ. Cấp bậc này dựa vào tuổi đời và tuổi đạo, ví dụ Thượng tọa là nhà sư có 45 tuổi đời và 25 tuổi đạo.

    Theo một lãnh đạo Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc học thêm hay bằng cấp khác trung cấp Phật học là do nhu cầu của mỗi người. Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam không đề cập, bắt buộc.

    Ngoài bằng cấp bị nghi ngờ, hồi tháng 6, trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang bị Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức trong 2 năm. Nguyên nhân được xác định một số nội dung thuyết giảng về giáo lý nhân quả của ông không đúng chánh pháp, gây hoang mang trong xã hội, làm suy giảm niềm tin Phật pháp và ảnh hưởng uy tín Giáo hội.

    Nguồn: Vnexpress

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!