• Trang chủ
  • Mỳ Quảng, phở Nam Định được vinh danh

    Mỳ Quảng, phở Nam Định được vinh danh

    0
    70

    Tri thức dân gian mỳ Quảng, tỉnh Quảng Nam và Tri thức dân gian phở Nam Định, tỉnh Nam Định được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

    Ngày 12-8, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Nam cho biết Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Tri thức dân gian mỳ Quảng tỉnh Quảng Nam.

    Mỳ Quảng, phở Nam Định được vinh danh- Ảnh 1.

    Mỳ Quảng là món ăn đặc sản của tỉnh Quảng Nam

    Theo UBND tỉnh Quảng Nam, suốt từ nửa sau thế kỷ XV cho đến thời kỳ các chúa Nguyễn, vùng đất rộng lớn phương Nam với thổ nhưỡng phì nhiêu, sản vật phong phú nhưng còn thưa vắng bóng người đã trở thành "miền đất hứa" đối với cư dân vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh và đồng bằng Bắc Bộ đang khao khát tạo lập một không gian sống mới.

    Các thế hệ tiền nhân qua lao động cần cù, cải tạo, thích nghi với điều kiện tự nhiên trên vùng đất mới, dần dần đã định hình nên bản sắc, cốt cách con người xứ Quảng. Một trong những biểu hiện rõ nét, sinh động của cốt cách ấy là đặc tính ẩm thực, mà mỳ Quảng là một minh chứng tiêu biểu.

    Nghề chế biến mỳ Quảng ở tỉnh Quảng Nam hội tụ giá trị ẩm thực đặc sắc của xứ Quảng. Mỳ Quảng theo bước chân những lưu dân trong hành trình đi về phương Nam rộng mở, sẵn lòng đón nhận bất cứ nguyên liệu gì trên đường để dung nạp, tiếp biến, làm nên sự đa dạng, phong phú trong hương vị ẩm thực.

    Đây chính là một món ăn có nhiều biến tấu, làm nổi bật đặc trưng văn hóa ẩm thực dân gian; món ăn hiếm hoi có thể "chiều" được tất cả các kiểu khách; món ăn dân dã nhưng hàm chứa cả diễn trình lịch sử hình thành, hệ tri thức dân gian của vùng đất Quảng Nam…

    Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cũng vừa ký ban hành Quyết định số 2326/QĐ-BVHTTDL công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với "Phở Nam Định".

    Theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định và đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình tri thức dân gian phở Nam Định, tỉnh Nam Định.

    Mỳ Quảng, phở Nam Định được vinh danh- Ảnh 3.

    Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

    "Phở Nam Định" được Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhờ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

    Nam Định là quê hương của nghề phở. Phở là món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới

    Vị phở Nam Định thơm đậm, nước dùng trong, bánh phở mềm nhưng không nát, thịt chín thái lát mỏng, thịt tái dần bằng cán dao, miết mỏng, tất cả được kết hợp tinh tế tạo nên hương vị riêng không thể lẫn lộn

    Theo thống kê, Nam Định hiện có khoảng 300 cửa hàng phở. Ngoài ra, phở Nam Định còn được đưa đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước và thậm chí cả nước ngoài.

    Việc "Phở Nam Định" trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ sở bước đầu để Chính phủ đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) xem xét, ghi danh "Phở Nam Định" vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

    Từ đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Phở Nam Định"; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa ẩm thực "Phở Nam Định"; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, của các tổ chức hội, hiệp hội ẩm thực và cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ giá trị thương hiệu, sản phẩm ẩm thực đặc sắc của đất và người Nam Định.

    Nguồn: Người Lao Động

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!