Nhiều người dự đoán sau giám đốc Phạm Duy Tuyến và Phan Quốc Việt cùng các đồng phạm, sắp tới sẽ còn nhiều người phải tra tay vào còng nữa, bởi Công ty Việt Á không chỉ làm ăn với CDC Hải Dương.
Sự kiện tổng giám đốc Công ty Việt Á, giám đốc CDC Hải Dương cùng các bị can bị khởi tố, bắt giam vì “móc ngoặc, thổi giá” kit test không gây bất ngờ cho dư luận. Bởi từ lâu người ta đã nghi ngờ và tin chắc sẽ có ngày ai đó phải tra tay vào còng khi kit test, mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch, giá cao đến bất thường.
Năm ngoái, khi dịch COVID-19 ập đến không lâu, khi cả hệ thống chính trị và người dân cả nước đang gồng mình chống dịch, cựu giám đốc CDC Hà Nội đã bất chấp tất cả để “bắt tay” với doanh nghiệp nâng giá máy xét nghiệm lên hơn gấp đôi. Hành vi của cựu giám đốc CDC Hà Nội cùng các đồng phạm đã khiến người dân cả nước phẫn nộ tột cùng.
Chính vì vậy, dù thiệt hại của Nhà nước chỉ 5,4 tỉ đồng, dù có rất nhiều bác sĩ, giáo sư, thậm chí là CDC của 30 tỉnh, thành có đơn xin giảm nhẹ, cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm vẫn bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên y án sơ thẩm 10 năm tù.
Hai bị can Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Việt Á (trái) và Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương
Vụ án nói trên bị khởi tố từ tháng 4-2020, lúc dịch COVID-19 vừa bùng phát hơn bốn tháng. Người ta những tưởng sau vụ này, những kẻ tham lam sẽ chờn, sẽ sợ mà không dám tham lạm vào những đồng tiền liên quan đến phòng chống dịch, không dám “ăn” trên nỗi thống khổ, kiệt quệ của người dân.
Nhưng lòng tham không đáy. Lòng tham đã che mờ tất cả.
Khi dịch tái bùng phát đợt 3, đợt 4, do yêu cầu chống dịch, kit test đã trở thành mặt hàng thiết yếu. Từ già đến trẻ, từ người dân đến cán bộ, ai cũng phải liên tục “ngoáy mũi”, liên tục xét nghiệm. Người người cần kit test, nhà nhà mua kit test. Lạ lùng thay, nhu cầu kit test càng cao thì giá kit test càng tăng, trong khi mặt hàng này không còn phụ thuộc vào nhập khẩu vì đã có doanh nghiệp trong nước sản xuất thành công với số lượng lớn.
Người dân bắt đầu hoài nghi, bắt đầu đặt những dấu hỏi về giá cả; báo chí bắt đầu chất vấn các cơ quan hữu quan, trong đó có quan chức ngành y tế. Nhưng rồi giá kit test vẫn cao. Dân vẫn phải cắn răng móc tiền trả. Nhà nước vẫn phải chi ngân sách nhiều để mua kit test - thông qua CDC các tỉnh, thành.
Rất may là trong khi người dân đang hoài nghi thì C03 Bộ Công an đã âm thầm đeo bám, đã bí mật lập chuyên án điều tra. Và vì vậy, khi C03 Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam những nghi can vụ nâng khống giá kit test, người ta hoàn toàn không cảm thấy bất ngờ. Nhiều người dự đoán đây mới chỉ là kết quả điều tra ban đầu, sắp tới có khả năng sẽ còn nhiều người phải tra tay vào còng trong phi vụ này, bởi Công ty Việt Á không chỉ làm ăn với CDC Hải Dương.
Có thể nói đây là một chiến công quan trọng của C03 Bộ Công an - một chiến công làm nức lòng dân khi đã lôi ra ánh sáng những kẻ nhẫn tâm “ăn” trên nỗi thống khổ của người dân.
Phương châm “chống dịch như chống giặc” có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa chỉ sự cấp bách của nhiều việc phải làm, phải huy động, phải dốc toàn sức, toàn lực để đẩy lùi con số tử vong, số ca nhiễm. Trong bối cảnh cấp bách đó, Nhà nước đã phải cho phép các cơ quan, tổ chức được thực hiện chỉ định thầu đối với các gói thầu trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch - thay vì đấu thầu công khai tốn thời gian, không đảm bảo yêu cầu khẩn trương hiện tại.
Ấy vậy mà có nhiều người đã lợi dụng tính cấp bách của chống dịch, lợi dụng chủ trương chỉ định thầu để bắt tay, thông đồng với nhau nhằm thổi giá kit test cao ngất ngưởng. Chỉ với năm hợp đồng trị giá 151 tỉ đồng, tổng giám đốc Công ty Việt Á đã lại quả cho giám đốc CDC Hải Dương những 30 tỉ đồng, tỉ lệ lại quả đến 1/5!
Ông Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Việt Á, người vừa bị khởi tố, bắt giam, từng chia sẻ với báo chí thế này: “Doanh nghiệp sản xuất trong nước phục vụ cho chính người dân của mình. Vậy tại sao phải tăng giá lên cắt cổ người dân mình!”. Câu hỏi tu từ này, nếu ông còn nhớ, hẳn ông sẽ phải tự mình tìm câu trả lời thỏa đáng khi đối diện với bốn bức tường nhà giam trong những tháng ngày sắp tới.
Có người tiếc cho ông, tiếc cho một người giỏi biết ứng dụng khoa học để sản xuất, làm ăn, vì sự trót nhúng chàm này. Nhưng pháp luật thì công minh, rạch ròi. Điều 222 BLHS 2015 (tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng) quy định mức án cao nhất đến 20 năm tù cho người thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại từ 1 tỉ đồng trở lên. Rõ ràng khung hình phạt này là không cao so với những gì mà các bị can đã gây nên, đã khiến dư luận phẫn nộ dữ dằn.
Trong kinh tế thị trường, chúng ta phải an ủi nhau rằng doanh nghiệp nào cũng vì lợi nhuận. Vì vậy, doanh nghiệp có thổi giá, có mời chào, có tìm cách móc ngoặc, có lợi dụng tình hình để tìm kiếm lợi nhuận cao nhất, âu đó cũng là điều dễ hiểu. Còn quan chức, cán bộ, lẽ nào tai bị điếc, mắt bị mờ, để tham đưa lối, lợi dẫn đường mà bắt tay, mà móc ngoặc, mà cầm những đồng tiền bẩn bựa dưới gầm bàn!