12 năm trước, khi thấy trái cam Australia mua ở siêu thị có hai quả còn sót cuống, anh Hà Văn Chiến nảy ra ý tưởng cắt ra ghép vào gốc bưởi dại.
Người đàn ông 33 tuổi năm đó không ngờ việc này sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh. Đó là giống cam Navel nhập khẩu từ Australia mà anh Chiến vài lần mua ở siêu thị về cho vợ bồi dưỡng trong khi đang mang bầu đứa con thứ hai. Anh rất muốn nhân giống cam này cho vườn nhà nhưng vì là loại quả không hạt nên chưa biết làm thế nào cho đến ngày tình cờ thấy hai quả còn cuống.
Giữa cơn mưa chớm đông lạnh ngắt năm 2010, anh Chiến trùm áo mưa ra vườn tìm gốc bưởi dại về, vác vào hiên nhà, lau khô từng thân cây để ghép cành. ''Thân cây ẩm nếu ghép thì mầm sẽ thối hết'', anh nói với vợ. Hai cái cuống cam ghép được thành bốn cây con, mỗi loại hai cây.
Đúng hai năm chăm sóc, bốn cây cam cho 20 kg quả. "Ăn ngọt đậm, thơm chẳng kém cam mua ở siêu thị", chị Hoa bảo với chồng. Họ tiếp tục nhân giống, biến bốn cây ban đầu thành 80 cây. Hiện tại, khu vườn rộng 10.000 m2 ngoài cam canh có hơn 300 gốc cam Navel (cam rốn lồi). "Mỗi năm, doanh thu từ vườn cam khoảng 900 triệu đồng, 2/3 doanh thu thu được nhờ bán loại cam Navel", anh Chiến nói.
Anh Chiến thu hoạch giống cam rốn lồi trong vườn nhà, sáng 23/11. Ảnh: Phạm Nga
Nhờ vườn cam, cuộc đời anh nông dân quanh năm đói ăn rẽ sang một trang mới.
"Nhà tôi 5 anh em, cả bố mẹ nữa là 7 khẩu ăn, chẳng khi nào đủ no. Bột sắn người ta nấu cho lợn, nhà tôi nấu quấy loãng để chia nhau húp", Chiến nhớ lại thời thơ ấu ở quê nhà Nam Định.
Năm 1998, sau một thời gian lang bạt nhiều tỉnh kiếm kế sinh nhai, anh Chiến lên Mộc Châu lập nghiệp. Tuổi thơ gắn liền với những ngày đói ăn nên Chiến luôn nghĩ chỗ nào có nhiều đất, trồng được ngô, khoai, sắn ăn sẽ ấm no. Vì vậy, khi nhiều người đổ ra phố, anh lại ngược lên đồi. Bốn triệu đồng mang theo, anh mua mảnh đất 1.000 m2, dựng lán sống tạm rồi bắt đầu trồng trọt.
Hai năm đầu, người nhà bặt tin Chiến vì thời đó chẳng có điện thoại hay thư từ liên lạc. Chàng trai học mới hết lớp 3 đi hái chè thuê, đi cuốc đất trồng ngô, sắn, nuôi gà mưu sinh. Nhưng đất vùng Tây Bắc nghèo chẳng có nhiều việc để làm thuê. Nhiều bữa không có tiền mua gạo, anh bẻ ngô non ăn tạm. Nhà hàng xóm bán tạp hóa thấy thương, cho Chiến mua chịu gạo, cuối tháng trả tiền.
Chịu khó tích lũy, năm 2000, anh tự xây ngôi nhà rộng chỉ 20 m2, lợp 9 tấm fibro xi măng rồi cưới được con gái nhà hàng xóm vừa học hết cấp 3. Chị Ngô Thị Hoa (năm đó 19 tuổi) về cùng chồng làm vườn, làm đậu phụ bán, anh Chiến lập một đội thợ xây đi làm thuê quanh vùng. ''Từng đói khổ nên tôi bảo với vợ cứ ai bán đất thì mình vay mượn mua trả dần. Có đất trồng trọt rồi cũng có ngày ấm no'', anh nói.
Vườn cam và ngôi nhà anh bây giờ là từ bốn mảnh đất ghép lại. Mảnh đầu anh mua khi vừa đặt chân đến đất Mộc Châu, mảnh thứ hai 3.600 m2 mua năm 2000 giá 45 triệu đồng, mảnh thứ ba 1.900m2 mua năm 2010 cùng giá và mảnh thứ tư rộng 3.600 m2 giá 400 triệu đồng.
Hai vợ chồng anh làm không có ngày nghỉ để tích lũy tài chính. Họ thường thức dậy trước 2h sáng làm đậu bán, ngày chăm cây, hái chè, đi xây, đi đào giếng thuê... Làm đậu phụ được 7 năm, anh Chiến thấy không hiệu quả, lại không có thời gian chăm sóc cây trong vườn nên lãn công. Hai giờ sáng chị Hoa gọi dậy, anh biết nhưng cứ nằm trên giường. Quần quật một mình, chị vợ mệt quá mới chịu bỏ.
Từ đó, chị Hoa chú tâm quay về chăm sóc vườn tược. Anh Chiến chạy xe máy xuống Cao Phong, Hòa Bình học hỏi người dân cách trồng cam canh. Về vườn, anh chăm sóc thử 10 cây cam canh theo 10 cách khác nhau. Đến khi thu hoạch, thấy cây nào năng suất, chất lượng tốt, anh chuyển sang chăm vườn theo cách đó.
"Anh ấy có một tình yêu với cây, với vườn hiếm nông dân có được. Có khi 1-2h sáng vẫn lọ mọ ngoài vườn soi đèn thăm từng gốc cây, bắt sâu'', anh Ngô Thành Đạo, giám đốc hợp tác xã Tây Bắc (Mộc Châu) nói.
Nhưng giá cam canh không được như kỳ vọng, năng suất phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên vợ chồng anh nông dân Chiến hơn 5 năm chưa trả hết khoản nợ mua đất mở rộng vườn.
Vợ chồng anh Chiến bên vườn cam rốn lồi, sáng 23/11. Ảnh: Phạm Nga
Mắt cam rốn lồi ghép vào gốc bưởi dại năm 2010 cho quả ngọt, nhen lên hy vọng cho vợ chồng anh Chiến. Nhưng khi nhân rộng ra vườn, lại bị nấm hại. Trái chín quắt múi, không có nước.
''Thời gian đó tôi căng thẳng, hầu như đêm nào cũng thức trắng nghĩ cách xử lý mầm bệnh'', anh kể. Mò mẫm đủ cách, cuối cùng vợ chồng anh tìm được thuốc đặc trị, kết hợp theo dõi ngay từ đầu, lá nào nấm lập tức cắt bỏ, đốt để loại trừ mầm bệnh. Khi cây cam rốn lồi phát triển như kỳ vọng anh nhân giống, bán hàng nghìn cây cho nông dân ở Mộc Châu.
Tháng 10 năm nay, vợ chồng anh Chiến kết hợp với hợp tác xã Tây Bắc xây dựng vườn cam rốn lồi theo mô hình cho khách tham quan, trải nghiệm thu hoạch và thưởng thức tại vườn. Vợ chồng anh nông dân đặt tên vườn nhà mình là "Vườn cam Ly'', theo tên con gái thứ hai. Anh thường mở đầu cuộc trò chuyện với khách tham quan bằng cái tên này, để kể về tình yêu dành cho vợ con, cho đất và cây cam.
Đường lên vườn cam rốn lồi của gia đình anh Chiến, sáng 23/11. Ảnh: Phạm Nga
Anh Lê Anh (30 tuổi, ở Hà Nội) lần đầu đưa cả gia đình lên Mộc Châu trải nghiệm và thưởng thức giống cam rốn lồi tại vườn của anh Chiến. ''Cam tuy vỏ dày hơn so với cam Úc mua ở siêu thị nhưng ngọt đậm, thơm và tươi không kém. Được thưởng thức những trái cam tưởng chỉ nhập ngoại trong khu vườn Việt và nghe chủ vườn kể mới thấy nể phục sự sáng tạo của người nông dân'', anh nhận xét.
Ba năm nay, trung bình hơn 300 cây cam rốn lồi cho thu hoạch khoảng 16 tấn quả. Năm 2017, anh Chiến được chủ tịch tỉnh Sơn La tặng bằng khen nông dân tiêu biểu.
Ông Lường Tiến Quynh, chủ tịch Hội nông dân huyện Mộc Châu cho biết, anh Chiến là người đầu tiên ở tỉnh Sơn La ghép thành công và trồng được giống cam rốn lồi. "Nhờ sự chăm chỉ, sáng tạo, anh Chiến làm giàu cho gia đình mình và tạo thêm cơ hội phát triển kinh tế cho bà con nông dân địa phương. Đây là một loại cam mang lại hiệu quả kinh tế rất cao ở huyện nhà hiện nay", ông Quynh nói.
24 năm lên vùng cao lập nghiệp, vợ chồng anh Chiến đã tự xây được ngôi nhà rộng rãi, mát mẻ cho chính mình. Các con anh được đầu tư tốt nhất để đến trường. Thay vì chạy ăn từng bữa, vợ chồng anh có cuộc sống điền viên nhiều người mơ ước.
"Là nông dân, nếu chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời là chưa đủ. Phải không ngừng sáng tạo, làm khác, nghĩ khác và làm được rồi mới nói, thì mới có thể thành công", anh Chiến vừa nâng cành cam trĩu quả lên vừa nói.