Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy định, lưu huỳnh phải được tập kết trong kho, có mái che.
Tràn lan cảnh lưu huỳnh lộ thiên
Từ cuối tháng 3 đến nay, báo VietNamNet liên tục phản ánh về thực trạng tập kết lưu huỳnh tại các cảng sông thuộc địa phận Hà Nội, Phú Thọ và một số địa phương. Với số lượng từ vài trăm tấn đến cả vạn tấn, lưu huỳnh khi cập cảng được tập kết ngoài trời trong nhiều ngày.
Tại Cảng Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) vào cuối tháng 3/2023 tập kết lộ thiên gần 2.000 tấn lưu huỳnh ngay trong khuôn viên cảng. Số lưu huỳnh này được tập kết trong hơn 1 tuần và nhanh chóng được chuyển đi sau khi VietNamNet phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra.
Lưu huỳnh tập kết tại cảng Việt Trì. Ảnh: Đoàn Bổng
Cùng thời gian trên, tại bến Hòa Bình (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) xuất hiện bãi lưu huỳnh vài trăm tấn tập kết sát mép sông Cầu. Số lưu huỳnh này tập kết mà không hề được che chắn, vương vãi khắp mép sông. Tương tự, bãi lưu huỳnh này chỉ được dọn sau khi nhận được phản ánh từ báo chí.
Khi tập kết lưu lưu huỳnh lộ thiên, các cảng trên đều đưa ra những lý do riêng.
Lãnh đạo Cảng Việt Trì (Phú Thọ) cho rằng, nguyên nhân là do tàu chở hàng bị thủng, việc tập kết trên là ứng phó khẩn cấp. Tuy nhiên, trước đó, dù không có tàu thủng thì cảng này vẫn diễn ra cảnh tập kết lưu huỳnh lộ thiên. Bến Hòa Bình (Hà Nội) cho rằng, tàu chở hàng bị mắc cạn nên đã nhờ gửi tạm 300 tấn lưu huỳnh trong nửa tháng.
Có một điểm chung ở cảng Việt Trì, bến Hòa Bình là việc tập kết lưu huỳnh lộ thiên đều không được báo cáo lên chính quyền địa phương. Riêng tại Phú Thọ và Hà Nội, chỉ khi báo VietNamNet phản ánh thì chính quyền mới có động thái chỉ đạo kiểm tra, xác minh và xử lý.
"Không thể để lộ thiên lưu huỳnh"
Trả lời PV VietNamNet trước việc nhiều địa phương có tình trạng tập kết lộ thiên lưu huỳnh tại các bến cảng, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng, vấn đề này đã có quy định rất cụ thể.
Theo ông Thanh, Bộ Công Thương có danh mục các hóa chất cần quản lý, mỗi một danh mục sẽ có những cách quản lý riêng.
"Đối với lưu huỳnh bột, về nguyên tắc, yêu cầu quản lý phải để trong kho, có mái che, không được để lộ thiên", Cục trưởng Cục Hóa chất nhấn mạnh.
Tập kết hàng trăm tấn lưu huỳnh ở xã Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội.
Theo ông Thanh, bột lưu huỳnh trong quá trình vận chuyển có thể vận chuyển rời, không yêu cầu phải đóng bao theo quy cách. Tuy nhiên, phải đảm bảo không bị tác động bởi ngoại lực như mặt trời, mưa... cho nên lưu huỳnh phải chứa trong kho.
Trước lý giải của đại diện một số cảng cho rằng, lưu huỳnh mà báo VietNamNet phản ánh là nguyên liệu sản xuất phân bón nên khi có bạt phủ sẽ không ảnh hưởng môi trường, ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định: "Không có lưu huỳnh bột nào được sử dụng trực tiếp làm phân bón".
Cục trưởng Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh về việc "sẽ lưu tâm" nội dung mà báo VietNamNet đang phản ánh.
Nguồn Vietnamnet