• Trang chủ
  • Công an xã giúp chị em ruột gặp lại nhau sau 32 năm lưu lạc

    Công an xã giúp chị em ruột gặp lại nhau sau 32 năm lưu lạc

    0
    440

    Từ phần mềm cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Công an xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã giúp cho hai người đàn ông kết nối và đoàn tụ với người thân sau hàng chục năm lưu lạc.

    Ngày 15/1, Thiếu tá Nguyễn Phụng Hoàng, Trưởng Công an xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) cho biết, đơn vị vừa nhận được bức thư của bà Phan Thị Kim Duyên gửi từ tỉnh Bình Dương bày tỏ lời cảm ơn Công an xã Xuân Lộc đã hỗ trợ tìm kiếm và kết nối thông tin để bà tìm được người em trai sau 32 năm lưu lạc.

    Câu chuyện đậm chất nhân văn này khởi đầu vào một ngày giữa tháng 10/2021. Thông qua phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an xã Xuân Lộc nhận được đề nghị của Công an xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp (Bình Phước) trao đổi thông tin nhân thân một người dân tạm trú hàng chục năm qua ở địa phương này là ông Phan Văn Ý (SN 1972), có cha là Phan Văn Ngọc, mẹ là Đỗ Thị Đua. Theo Công an xã Thanh Hòa, ông Ý khai báo sinh trưởng ở xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu – nay là thị xã Sông Cầu (Phú Yên), mà không nhớ thôn, xóm hoặc thân nhân còn lại ở quê nhà, vì ông rời khỏi Xuân Lộc từ thời niên thiếu.

    Đại úy Nguyễn Thị Tường Quy - Phó trưởng Công an xã Xuân Lộc cùng đồng đội tra cứu thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

    Với tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ, Đại úy Nguyễn Thị Tường Quy – Phó trưởng Công an xã Xuân Lộc tiến hành tra cứu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã xác định có ông Phan Văn Ý (SN 1974), họ và tên cha, mẹ trùng hợp với thông tin Công an xã Thanh Hòa đề cập. Do năm sinh của người cần xác minh có sự chênh lệch nên Công an xã Xuân Lộc trực tiếp trao đổi với ông Ý qua điện thoại để thẩm tra lại một số thông tin. Qua đó được biết giữa năm 1989 bà Đỗ Thị Đua mất, ông Phan Văn Ý theo cha là Phan Văn Ngọc rời quê nhà vào tỉnh Bình Phước để đào đãi vàng sa khoáng.

    Bức thư bà Phan Thị Kim Duyên bày tỏ lời cảm ơn Công an xã Xuân Lộc

    Hơn một năm sau hai cha con thất lạc, ông Ý tiếp tục sinh sống ở Bình Phước và lập gia đình, làm nghề nông tại xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, nhưng do không có giấy tờ tùy thân nên ông không được cấp căn cước công dân. Từ những thông tin trao đổi với ông Ý, Công an xã Xuân Lộc tiếp tục phối hợp cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an thị xã Sông Cầu tra cứu tàng thư, tìm kiếm được người chị ruột ông Ý là bà Phan Thị Kim Duyên (SN 1970) đăng ký thường trú tại phường Bình Thọ, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), nhưng đang tạm trú ở khu phố Tân Phước, phường Tân Bình, TP Dĩ An (Bình Dương).

    Nhờ cơ sỏ dữ liệu quốc gia về dân cư cùng với tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm của Công an xã Xuân Lộc, hai chị em Phan Thị Kim Duyên và Phan Văn Ý được đoàn tụ sau 32 năm lưu lạc

    Nhận được điện thoại của Đại úy Nguyễn Thị Tường Quy – Phó trưởng Công an xã Xuân Lộc trao đổi thông tin về ông Ý, bà Duyên thật sự bất ngờ và xúc động đến rơi nước mắt vì chị em bà mất liên lạc đã hơn 32 năm. Nhiều năm qua bà Duyên đã nỗ lực tìm kiếm ông Ý trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội Facebook nhưng bất thành. Có được số điện thoại của ông Ý do Công an xã Xuân Lộc cung cấp, bà Duyên vội vàng kết nối liên lạc rồi ngược lên Bình Phước tìm gặp người em trai. Hai chị em không thể ngờ rằng nhờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cùng với tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm của cán bộ – chiến sĩ Công an xã Xuân Lộc mà họ đã được đoàn tụ sau 32 năm lưu lạc.

    Trong bức thư đề ngày 14/1, bà Phan Thị Kim Duyên bày tỏ : “Nay tôi viết thư này thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các anh chị em Công an xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu đã giúp cho chị em tôi tìm lại được nhau”.

    Ngoài trường hợp nêu trên, ngày 23/12/2021 Công an xã Xuân Lộc nhận được điện thoại của một người đàn ông tự giới thiệu là Nguyễn Minh Giảng (SN 1969, tạm trú ở phường 6, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) xin cung cấp thông tin số định danh để làm căn cước công dân.

    Theo ông Giảng cho biết trước đây ông cư trú ở thôn Thọ Lộc, xã Xuân Lộc, nhưng từ giữa năm 1994 ông vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh xuyên suốt 27 năm chưa một lần về lại quê nhà.

    Do không thể cung cấp số định danh qua điện thoại, nên Đại úy Nguyễn Thị Tường Quy – Phó trưởng Công an xã Xuân Lộc tiến hành rà soát dữ liệu dân cư ở địa phương và được biết ông Giảng mồ côi cha mẹ, sinh sống cùng anh trai là Nguyễn Ngọc Anh. Trong thời gian ông Giảng mưu sinh ở phương Nam, anh trai của ông  đã qua đời chỉ còn lại người chị dâu là Trần Thị Thanh Yên và các cháu.

    Do mất liên lạc 27 năm nên người thân cho rằng ông Giảng đã mất tích nhưng Công an xã Xuân Lộc vẫn tiến hành thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ kết quả tra cứu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an xã Xuân Lộc đã kết nối liên lạc để ông Giảng gặp lại người chị dâu cùng các cháu ruột sau 27 năm lưu lạc.

    Theo Hữu Toàn (Công an nhân dân)

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!