• Trang chủ
  • Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc hội chứng Tic?

    Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc hội chứng Tic?

    0
    305

    Để điều trị hội chứng Tic cần sự hợp tác tích cực của gia đình; phải hạn chế, ngưng cho trẻ xem tivi, điện thoại và đồng hành với trẻ trong kiểm soát hành vi

    Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một bé trai có nhiều hành động kỳ lạ, mất kiểm soát như vung tay, giật lắc người, gồng cứng cơ thể… Theo chia sẻ, đây là một ca mắc hội chứng Tic. Trẻ mắc hội chứng Tic ngày càng nhiều mà nguyên nhân chủ yếu do xem tivi, điện thoại quá nhiều.

    Bệnh từ điện thoại, tivi

    Từ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, tỉ lệ trẻ đến khám vì hội chứng Tic tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) tăng hơn so với thời gian trước. Trung bình mỗi tháng tại đây tiếp nhận từ 90-100 trẻ đến khám vì hội chứng này, trong khi trước đây chỉ khoảng 50 ca bệnh.

    Bác sĩ Lý Hiển Khánh, Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết hội chứng Tic là một dạng rối loạn vận động có tính tự phát. Ngoài các nguyên nhân như di truyền, rối loạn sinh hóa thần kinh thì hiện nay, nguyên nhân chủ yếu là do trẻ tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử để chơi game, xem phim.

    "Nhiều phụ huynh đưa trẻ đến khám trong tình trạng giật miệng, giật tay chân, lắc cổ... mất kiểm soát. Qua khảo sát, hầu hết nguyên nhân do sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều. Một số trường hợp dùng thuốc sau một thời gian ngắn có thể hồi phục. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sau thời gian dùng thuốc không đáp ứng nên tái phát, buộc phải nhập viện. Trường hợp này, bên cạnh dùng thuốc, các bác sĩ còn kết hợp liệu pháp tâm lý cho trẻ. Hầu hết sau khoảng 3-6 tháng, tình trạng của trẻ sẽ cải thiện" - bác sĩ Khánh cho hay.

    Theo bác sĩ Khánh, hội chứng này thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Có khoảng 20% trẻ ở độ tuổi đi học mắc phải rối loạn này; thường trầm trọng khi trẻ ở độ tuổi 11-12, sau đó giảm dần khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì. Đối với một số trẻ, rối loạn này sẽ biến mất hoàn toàn sau khi lớn nhưng cũng có trẻ đối mặt với nó đến khi trưởng thành.

    Bác sĩ Nguyễn Thành Danh, Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết những năm gần đây, Việt Nam ghi nhận ngày càng nhiều rối loạn Tic ở trẻ em, đặc biệt là bé trai ở độ tuổi đến trường.

    Theo các bác sĩ, rối loạn Tic được chia thành nhiều nhóm gồm: Tic vận động, Tic âm thanh đơn giản, tạm thời; Tic phức tạp, mãn tính cho đến hội chứng thần kinh Tourette. Các biểu hiện của các nhóm Tic cụ thể như sau:

    Đối với Tic vận động đơn giản bao gồm nháy mắt, liếc mắt, nhăn mặt, nhún vai, giật vùng đầu cổ, gồng bụng, giật mũi, cử động miệng, bĩu môi, giật tay.… Tic âm thanh đơn giản gồm hắng giọng, ho, hỉ mũi, khạc nhổ, thét lên, sủa, huýt gió, tiếng ríu rít, lầm bầm…

    Đối với Tic phức tạp kéo dài lâu hơn và gồm nhiều nhóm cơ, vận động (nhại động tác của người khác, vuốt tóc, đá chân, nhảy…) hoặc về âm thanh (nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, la hét, nói tục...).

    Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc hội chứng Tic?

    Bác sĩ Lý Hiển Khánh, Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), thăm khám cho bệnh nhi

    Hỗ trợ trẻ vượt qua Tic

    Chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi, Đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết trẻ bị rối loạn Tic mức độ nhẹ đến trung bình thường không ảnh hưởng đến đời sống thường ngày. Tuy nhiên, rối loạn Tic cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt và hình ảnh bản thân trẻ dễ dẫn đến bị cô lập, mâu thuẫn trong các mối quan hệ hoặc thậm chí bị bắt nạt. Do đó, gia đình cần thấu hiểu và đồng hành với trẻ.

    Đầu tiên cần theo dõi về mức độ và tần suất xuất hiện Tic. Sau khi đã quan sát và nắm rõ các dấu hiệu cảnh báo hoặc kích hoạt triệu chứng, cha mẹ cần giải thích về rối loạn Tic một cách phù hợp với lứa tuổi cũng như mức độ nhận thức của trẻ, hướng dẫn trẻ tìm một chuyển động thích hợp thay thế vận động Tic (ví dụ: hít thở theo nhịp, đếm từ 1 đến 10...), luyện tập ứng phó với những yếu tố kích hoạt và thực hành thư giãn.

    Theo chuyên gia tâm lý Cẩm Nghi, các bước trên là một trong những ứng dụng của liệu pháp hành vi đảo ngược thói quen. Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý các triệu chứng Tic thường gia tăng khi con gặp lo âu, phấn khích hay mệt mỏi. Vì thế, việc tổ chức những hoạt động nhẹ nhàng, thu hút sự tập trung, chú ý của trẻ góp phần giảm nhẹ tác động của Tic. Ngoài ra, việc động viên, khen thưởng khi trẻ có cố gắng kiểm soát Tic cũng góp phần gia tăng hành vi tích cực của trẻ.

    "Trong sinh hoạt thường ngày, gia đình cần lưu ý tránh không phê phán trẻ, đồng thời trấn an khi triệu chứng Tic ảnh hưởng đến cảm xúc cũng như sự tự tin của trẻ. Việc dành thời gian tương tác, giao tiếp với trẻ và hạn chế sự can thiệp bằng điện thoại cũng góp phần giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của rối loạn Tic nói riêng và đến sự phát triển của trẻ nói chung" - chuyên gia tâm lý Cẩm Nghi phân tích.

    Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện những dấu hiệu trẻ mắc hội chứng Tic, cha mẹ cần đưa con đến khám ở các chuyên khoa và thực hiện xét nghiệm cũng như tư vấn hướng điều trị can thiệp phù hợp với từng trường hợp.

    Người lớn phải làm gương

    Để con từ bỏ thói quen xem tivi, điện thoại, các bác sĩ lưu ý cha mẹ cần làm gương, không sử dụng các thiết bị điện tử trước mặt con. Thay vào đó hãy dành thời gian chơi cùng con như xếp hình, đọc sách, tham gia các hoạt động thể dục hoặc cùng con làm việc nhà.

    Đối với trẻ đang bị nghiện xem tivi, điện thoại, cha mẹ cần từ từ cắt giảm thời lượng sử dụng cho trẻ. Không nên ép con ngừng chơi một cách đột ngột.

    Nguồn Người lao động

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!