CEO Telegram được tại ngoại

    0
    39

    Tòa án Paris quyết định truy tố CEO Telegram Pavel Durov, cho ông tại ngoại với điều kiện nộp 5 triệu euro bảo lãnh và cấm xuất cảnh khỏi Pháp.

    Công tố viên Laure Beccuau tối 28/8 (rạng sáng 29/9 giờ Hà Nội) thông báo các thẩm phán điều tra tại tòa án Paris đã quyết định truy tố CEO Telegram Pavel Durov vì những cáo buộc liên quan đến tội phạm có tổ chức, bao gồm đồng lõa trong việc quản lý nền tảng trực tuyến cho phép thực hiện giao dịch bất hợp pháp, phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy, lừa đảo; từ chối chia sẻ thông tin theo yêu cầu của giới chức; rửa tiền; cung cấp dịch vụ mã hóa cho tội phạm.

    Quyết định này không đồng nghĩa Durov bị coi là có tội hoặc sẽ bị xét xử. Điều này chỉ cho thấy các thẩm phán tin rằng có đủ bằng chứng để tiếp tục điều tra. Các cuộc điều tra có thể kéo dài nhiều năm trước khi được đưa ra xét xử hoặc hủy bỏ.

    Durov được tại ngoại sau khi nộp bảo lãnh 5 triệu euro. Ông cũng chịu hình thức giám sát tư pháp, bị cấm xuất cảnh khỏi Pháp và phải trình diện tại đồn cảnh sát hai lần mỗi tuần.

    Durov, 39 tuổi, bị bắt tại sân bay Le Bourget ở ngoại ô Paris tối 24/8, sau khi đến đây từ Azerbaijan bằng máy bay riêng. Công tố viên Laure Beccuau cho biết vụ bắt CEO Telegram nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra bắt đầu từ ngày 8/7.

    Vụ bắt Durov gây tranh cãi về quyền tự do ngôn luận và dẫn đến những lo ngại ở cả Ukraine và Nga, nơi ứng dụng Telegram cực kỳ phổ biến và đã trở thành công cụ liên lạc quan trọng giữa quân nhân và người dân giữa chiến sự.

    Một số blogger quân sự Nga cho rằng đây là một phần trong cuộc chiến chống Moskva của phương Tây, do Telegram là phương tiện liên lạc chính của binh sĩ nước này trên chiến trường Ukraine. Họ cho rằng tình báo phương Tây có thể khai thác được nhiều dữ liệu nhạy cảm của quân đội Nga nếu lấy được "chìa khóa" giải mã tin nhắn Telegram từ ông Durov.

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/8 nói rằng quyết định bắt Durov "tuyệt đối không liên quan đến chính trị", nhưng không giải thích thêm. Đây là lần hiếm hoi một tổng thống Pháp lên tiếng về vấn đề tư pháp, vốn thuộc thẩm quyền của tòa án.

     
    Cảnh sát triển khai bên ngoài tòa án tại Paris hôm 28/8. Ảnh: AFP
    Cảnh sát triển khai bên ngoài tòa án tại Paris hôm 28/8. Ảnh: AFP

    Durov sinh ra ở Saint Petersburg, sáng lập Telegram vào năm 2013 và được mệnh danh là "Mark Zuckerberg của Nga", trước khi rời nước này năm 2014 để đến định cư ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Telegram cho hay ông có quốc tịch Pháp và UAE, không còn giữ quốc tịch Nga.

    Forbes ước tính CEO Telegram sở hữu khối tài sản khoảng 15,5 tỷ USD. Ứng dụng do ông sáng lập hiện có hơn 950 triệu người sử dụng, là một trong những nền tảng nhắn tin được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.

    Telegram nổi tiếng về mã hóa đầu cuối (chỉ những người liên lạc với nhau có thể đọc được tin nhắn) và cam kết bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Sự tập trung vào bảo mật đã khiến Telegram trở thành nền tảng được một bộ phận người dùng yêu thích, nhưng tính năng này cũng khiến nó trở nên hấp dẫn đối với các tổ chức tội phạm và các nhóm cực đoan.

    Durov hồi tháng 4 cho biết đã bị một số chính phủ gây sức ép, song ứng dụng Telegram vẫn sẽ tiếp tục là nền tảng trung lập, không tham gia vấn đề địa chính trị.

    Pavel Durov trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi năm 2016. Ảnh: CNN

    Pavel Durov trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi năm 2016. Ảnh: CNN

    Nguồn: Vnexpress

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!