Thế giới hiện chưa có kế hoạch dài hạn nào để bảo vệ người dễ bị tổn thương và ngăn dịch bệnh bùng phát trở lại
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào đầu tháng này tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Tuy nhiên, dịch bệnh này hiện khiến ít nhất 1 người tử vong mỗi 4 phút trên thế giới trong bối cảnh tỉ lệ tiêm chủng sụt giảm.
Theo trang Bloomberg hôm 24-5, một câu hỏi quan trọng cần có lời giải lúc này là làm sao đối phó với dịch bệnh vẫn còn nguy hiểm đối với một bộ phận dân số trên thế giới. Chẳng hạn như tại Mỹ, COVID-19 là bệnh gây tử vong cao thứ 3 vào năm ngoái, đứng sau bệnh tim và ung thư.
Bất chấp mối đe dọa từ COVID-19 vẫn còn, giới chính trị gia hiện không quyết liệt thúc đẩy các biện pháp nhằm đối phó tốt hơn với dịch bệnh, như bắt buộc tiêm chủng hoặc đeo khẩu trang trong không gian kín. Ngay cả trước khi WHO có động thái trên, nhiều chính phủ đã nới lỏng phong tỏa và các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Trong khi đó, thế giới hiện chưa có kế hoạch dài hạn nào để bảo vệ người dễ bị tổn thương và ngăn dịch bệnh bùng phát trở lại, một phần vì không dễ tìm được tiếng nói chung về những vấn đề liên quan đến COVID-19.
Ông Linfa Wang, Giám đốc Chương trình về các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y Duke - NUS (Singapore), nhận định việc chính trị hóa dịch bệnh đang cản trở nỗ lực cộng tác về học thuật trên toàn cầu để chuẩn bị cho kịch bản xảy ra đại dịch tiếp theo trong thời gian tới.
Một trẻ em đeo khẩu trang khi đi tàu điện ngầm ở TP New York - Mỹ hôm 2-5Ảnh: Reuters
Một nỗi lo khác là tác động tiêu cực của hội chứng COVID-19 kéo dài. Theo thống kê, hội chứng này đang ảnh hưởng đến 10% người bị nhiễm, với các triệu chứng như khó thở, suy giảm trí nhớ, khó tập trung...
Đây được xem là một trong những thách thức y tế lớn nhất thời hậu đại dịch. Ngoài ra, tổn thất kinh tế cũng không phải nhỏ. Tại Mỹ, hội chứng này được cho là gây thiệt hại khoảng 50 tỉ USD về giá trị tiền lương bị mất tính đến cuối năm 2022.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu tài chính Anh (IFS) năm ngoái ước tính 10% người bị hội chứng COVID-19 kéo dài phải nghỉ làm vì ảnh hưởng của nó.
Ông Ziyad Al-Aly, chuyên gia về dịch tễ học tại Mỹ, cảnh báo COVID-19 vẫn khiến nhiều người nhiễm bệnh và tử vong và hiện có phương thức để giảm bớt gánh nặng này. Thông tin tích cực là thế giới đã có vắc-xin và các phương pháp điều trị tốt hơn đối với COVID-19.
Ngoài ra, các đợt bùng phát có thể nhanh chóng được phát hiện. Dù vậy, ông Linfa Wang lưu ý rằng ngay cả khi các chính phủ đang mệt mỏi, chúng ta phải đối mặt với thực tế virus gây COVID-19 vẫn đang tiến hóa.
Giới chuyên gia y tế cho rằng tiêm chủng hiện vẫn là cách bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh. Họ cũng hy vọng những loại vắc-xin mới hoặc vắc-xin dạng xịt mũi có thể mang lại hiệu quả cao hơn.
Chính phủ Mỹ dự định chi 5 tỉ USD cho dự án mới nhằm phát triển vắc-xin và phương pháp điều trị tiên tiến để đối phó các virus Corona, với sự hợp tác của các hãng dược. Mục tiêu của dự án là nhanh chóng có được thuốc điều trị mỗi khi virus biến đổi.
Ngoài ra, những cải tiến khác có thể giúp ích cho cuộc chiến chống COVID-19, như khẩu trang chất lượng tốt hơn, việc kiểm tra chất lượng không khí và thông gió được cải thiện… Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cần đầu tư nhiều hơn cho các hệ thống giám sát để có thể phát hiện mối đe dọa sớm hơn.
Nguồn Người lao động