• Trang chủ
  • Càng đấu thầu, giá vàng càng cao

    Càng đấu thầu, giá vàng càng cao

    0
    156

    Nhằm ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các phiên đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, ngược với mục đích này, cứ có thông tin đấu thầu vàng, giá vàng lại tăng.

    anhtren(3).jpg
    Giá vàng vẫn tiếp tục tăng cao. Ảnh: H.H.

    Giá vàng xô đổ mọi kỷ lục

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã nhấn mạnh cần có giải pháp khắc phục hiệu quả cả về ngắn hạn và dài hạn; bảo đảm công tác quản lý vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, liên thông với các thị trường liên quan, tránh tình trạng lợi dụng tình hình để buôn lậu, đầu cơ, thao túng thị trường, kinh doanh vàng trái quy định của pháp luật để trục lợi.

    Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh TPHCM đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp (DN) được phép kinh doanh vàng miếng trên địa bàn thành phố tiếp tục tổ chức và thực hiện tốt các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trong khi đó NHNN cũng liên tục đưa ra thông điệp sẽ tổ chức đấu thầu vàng. Cơ quan này sau 3 lần gọi thầu không thành công cũng đã quyết định khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 7 lô (tương đương 700 lượng).

    Song các nỗ lực vẫn không thể ghìm cương được giá vàng. Bất chấp các yêu cầu được đưa ra từ cơ quan quản lý, giá vàng vẫn tăng phi mã xô đổ mọi kỷ lục.

    Ngày 8/5, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý SJC đang niêm yết tại các cửa hàng ở mức 85,3 triệu đồng/lượng mua vào và 87,5 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng DOJI cũng được điều chỉnh tăng mạnh lần lượt 85,3 triệu đồng/lượng mua vào và 86,8 triệu đồng/lượng bán ra.

    Trong khi đó, giá mua và giá bán vàng tại các cửa hàng thuộc thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đang lần lượt là 85,5 triệu đồng/lượng và 87,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 14 triệu đồng/ lượng.

    Có một điều dễ nhận thấy kể từ khi tái khởi động hoạt động đấu thầu vàng miếng sau hơn 10 năm tạm dừng, giá vàng càng ngày càng tăng. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 cho hay, chỉ số giá vàng trong nước tăng 6,95% so với tháng trước và tăng trên 17% so với tháng 12/2023. Giá vàng đã tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá vàng trong nước tăng 20,75%.

    Trong bối cảnh giá vàng trong nước “phi mã”, theo các chuyên gia kinh tế, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, giải pháp căn cơ cho các vấn đề của thị trường vàng vẫn là sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP với quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, độc quyền nhập khẩu nguyên liệu vàng của NHNN, cần sớm trả vàng về cho thị trường vận hành.

    Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NHNN cần tổ chức nhiều phiên đấu thầu và những phiên đấu thầu đó phải có một lượng vàng lớn để đổ vào trong thị trường, đồng thời phải có nhiều nhà kinh doanh vàng tham gia đấu thầu và trúng thầu thay vì số lượng khiêm tốn như hiện tại. Bên cạnh việc triển khai đấu thầu, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng cần được sửa đổi. Nên bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia của SJC, tạo sự công bằng cho tất cả các sản phẩm trên thị trường.

    Còn ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính - Học viện Tài chính thì cho rằng sau động thái của NHNN, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có thể sẽ thu hẹp lại. Mức độ thu hẹp đến đâu còn phụ thuộc vào quy mô nhập khẩu vàng nguyên liệu. Giá vàng trong nước thời gian tới sẽ tiếp tục biến động theo giá vàng thế giới và điều này rất khó đoán.

    Chưa đạt được mục đích của đấu thầu

    Trong phiên mời gọi thầu ngày 8/5, NHNN đưa ra giá đặt cọc là 85,3 triệu đồng/lượng. Giá đấu thầu lần này cao hơn mức giá tham chiếu tại phiên đấu thầu gần nhất khoảng 2,4 triệu đồng (82,9 triệu đồng/ lượng). Và kết quả phiên đấu thầu ngày 8/5 cũng chỉ có 3 DN trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu 34 lô tương đương 3.400 lượng, giá trúng thầu là 86,05 triệu đồng/ lượng. Như vậy, mức giá này còn cao hơn mức giá DN đang thu mua từ người dân. Đây là điểm hạn chế của đấu thầu vàng. Bởi đấu thầu vàng là tăng cung để liên thông dần giá vàng trong nước và quốc tế, khi NHNN đưa mức giá khởi điểm mời thầu cao và DN đặt thầu với giá cao đồng nghĩa với việc NHNN đang “ vô tình” thừa nhận mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế sẵn có. Mục đích của đấu thầu vàng chưa đạt kỳ vọng. Chưa kể DN khi đã trúng thầu vàng với giá cao thì sẽ bán ra với giá cao để DN có lợi nhuận. Giá vàng trong nước thời gian tới sẽ khó hạ nhiệt.

    Trong khi đó, theo Hội đồng Vàng thế giới trong quý I/2024, Việt Nam ghi nhận nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu tăng 12%, với tổng nhu cầu tiêu dùng tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

    Theo Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu đầu tư vàng miếng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất trong quý I kể từ năm 2015. Các nhà đầu tư trong nước bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong quý I, đặc biệt khi đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao được dự báo sẽ thúc đẩy lạm phát và đồng nội tệ mất giá so với đồng USD. Mức chênh lệch giá đối với vàng miếng đã đạt mức kỷ lục là 650 USD/ounce.

    Hội đồng vàng thế giới cho rằng, nhu cầu vàng trang sức trên toàn cầu vẫn ổn định bất chấp mức giá cao kỷ lục, chỉ giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. “Nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong quý I ghi nhận mức sụt giảm lần thứ 5 liên tiếp, giảm hơn 10% xuống còn 4 tấn, được ghi nhận là quý có nhu cầu thấp nhất kể từ năm 2015. Bất chấp nhu cầu bùng nổ trong tháng 2 vào dịp Tết Nguyên Đán và Ngày Thần Tài, nhu cầu vàng trang sức vẫn bị chi phối mạnh do giá vàng tăng cao”, ông Shaokai Fan - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới cho biết thêm.

    Nguồn: Đại Đoàn Kết

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!