Thuế, phí chiếm 60% giá cơ sở xăng dầu nên cách kìm giá hữu hiệu nhất là giảm thuế, phí nhưng công cụ này lại không nhanh về mặt quy trình.
Giá xăng RON 95-III đã lên sát ngưỡng 25.000 đồng một lít, cao nhất 7 năm và chỉ còn cách 80 đồng mức "đỉnh" lịch sử tháng 7/2013. Xăng RON 95-IV tại vùng 1 (đô thị, thành phố lớn) còn được các doanh nghiệp đầu mối bán giá 25.090 đồng một lít.
Cách hạ giá bán lẻ trong nước, theo các chuyên gia, rất nan giải khi giá thế giới được dự báo vẫn có thể đi lên trong ngắn hạn do OPEC không bơm thêm dầu, cộng thêm các yếu tố địa chính trị bất ổn tiềm tàng khác. Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã gần như âm. Dù đã sử dụng tới công cụ này, ở kỳ điều hành trước, mỗi lít xăng RON 95 từ chiều 10/11 vẫn lên 24.990 đồng còn giá xăng E5 RON 92 là 23.660 đồng. Theo Bộ Công Thương, nếu không tăng chi quỹ bình ổn, giá các mặt hàng này sẽ tăng 758-1.359 đồng một lít.
Dư địa để hãm đà tăng chỉ còn công cụ điều tiết giảm thuế, phí. Hiện trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, các loại thuế, phí chiếm khoảng 60% với mỗi lít xăng.
Ông Bùi Ngọc Bảo, quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho hay một số loại thuế liên quan tới xăng dầu mà nhà điều hành có thể cân nhắc giảm, gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường...
Trong số này, dư địa giảm thêm thuế nhập khẩu gần như không còn khi theo các cam kết tại hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, mức thuế này sẽ giảm dần về 0%. Hiện thuế nhập khẩu với dầu diesel đã gần về 0%, còn với xăng sẽ giảm về 0% vào năm 2024 theo cam kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA).
Như vậy ông Bảo nói, chỉ thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là còn dư địa. Hiện mức thuế bảo vệ môi trường, với xăng E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, với xăng RON 95 là 4.000 đồng và dầu diesel là 2.000 đồng...
Theo khảo sát của VnExpress, sau đợt tăng giá vừa qua, các doanh nghiệp vận tải vừa tăng cước vận chuyển 5-10%.
Trong bối cảnh đó, ông Bảo đề nghị, cơ quan quản lý nên cân nhắc việc đề xuất giảm thuế lên cấp có thẩm quyền, để giá bán lẻ xăng không tăng phi mã, ảnh hưởng tới lạm phát và chi tiêu của người dân. "Mức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu có thể là 1.000 đồng mỗi lít, kg tuỳ loại", ông Bảo đề nghị.
Đề xuất giảm thuế cũng từng được Bộ Công Thương nêu với Bộ Tài chính hồi tháng 9. Hiện Bộ Tài chính chưa phản hồi về đề nghị này.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thừa nhận, giảm thuế sẽ tương ứng với giảm thu ngân sách nên đây lại là bài toán "cân não" trong bối cảnh ngân sách khó khăn, cần tiền cho phòng dịch, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
"Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành cùng tính toán khoản có thể bù thu cho ngân sách nếu giảm thuế với xăng dầu", ông Bảo nói.
Chi Quỹ bình ổn để kìm giữ giá xăng trong nước cũng khiến quỹ này tại các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu bị âm.
Sau thời gian giãn cách xã hội, sản lượng bán của doanh nghiệp xăng dầu trong nước bắt đầu phục hồi. Chẳng hạn với PVOil, sản lượng bán tại TP HCM đã đạt 70-75% so với trước dịch.
Lượng hàng bán bắt đầu tăng lên, nhưng các doanh nghiệp cho biết, họ cũng gặp khó khi phải đi vay để bù cho Quỹ bình ổn âm.
Từ đầu năm đến nay, Quỹ bình ổn xăng dầu liên tục được nhà điều hành sử dụng, mức chi 100-2.000 đồng một lít, kg mỗi kỳ điều hành. Số liệu của Petrolimex tới trước 15h ngày 10/11 cho thấy, tập đoàn này bị âm 355 tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu, tăng 93 tỷ so với cách đó 15 ngày. Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) âm hơn 697,6 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim) âm 43 tỷ đồng...
Theo dữ liệu tới cuối tháng 8, 15 trong 35 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu âm hơn 1.470 tỷ đồng Quỹ bình ổn.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn cũng đang bị âm Quỹ Bình ổn cho biết, theo quy định, khi quỹ tại doanh nghiệp âm thì họ buộc phải bù bằng vốn tự có hoặc đi vay ngân hàng. Hiện doanh nghiệp này đã vay được nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng để bù đắp nhưng nếu kéo dài mãi mức trích, chi quỹ như hiện tại sẽ tăng chi phí và "phải rất lâu sau" quỹ này tại doanh nghiệp mới hồi lại được.
Theo tính toán của vị này, nếu giá dầu thế giới chững lại, hoặc giảm; nhà điều hành duy trì trích lập quỹ tại các kỳ điều hành và không chi thêm từ quỹ bình ổn để bù giá xăng, dầu..., cần khoảng 9-10 tháng để quỹ này cân bằng trở lại.
Việc các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị âm quỹ bình ổn do giá thế giới liên tục tăng cao, nhà điều hành liên tục chi quỹ... đã từng xảy ra hồi năm 2019.
Hệ quả của việc quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp bị âm không chỉ là họ phải tự bù vốn hoặc đi vay mà tiền lệ từng cho thấy, doanh nghiệp có thể hạn chế bán hàng vì "càng bán càng âm quỹ". Việc này dẫn tới các đại lý xăng dầu khó nhập hàng từ đầu mối, hoặc nhập hàng chậm, hàng bán ra cầm chừng.
Một số đại lý xăng dầu tại Hà Nội mới cho biết, hiện việc nhập thêm xăng RON 95 bắt đầu khó hơn trước, các đầu mối báo "tạm hết hàng" với RON 95-III, còn xăng RON 95-IV cũng chậm 1-2 ngày kho mới có hàng trở lại.
Dù vậy, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chiếm thị phần gần 20% phủ nhận điều này. Ông cho biết, không có hiện tượng trên trong hệ thống phân phối của mình. "Xăng, dầu trong kho chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng, đại lý gọi là có, không có chuyện tạm hết", ông nói.
Anh Minh/vnexpress