Sau khi tiêm phòng vắc-xin, trẻ có thể bị sốt, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Dưới đây là một số cách đơn giản tại nhà giúp trẻ hạ sốt sau khi tiêm phòng.
1. Lau người bằng nước ấm hạ sốt
Một cách đơn giản để hạ sốt cho trẻ là lau cơ thể bằng nước ấm. Nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn nở mạch máu giúp làm mát cơ thể. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi nhiệt độ của trẻ giảm xuống bình thường (37°C). Thông thường, nhiệt độ sẽ giảm trong khoảng 30-45 phút.
2. Uống nhiều nước
Cách hạ sốt đơn giản nhất là cho trẻ uống nhiều nước. Khi trẻ bị sốt, nhiệt độ cơ thể tăng cao khiến trẻ bị mất nước. Để ngăn ngừa điều này, cha mẹ nên khuyến khích uống càng nhiều nước càng tốt.
Trẻ bị sốt thường không cảm thấy đói nên bạn không nên ép trẻ ăn mà thay vào đó bạn có thể dỗ trẻ uống sữa. Bé lớn hơn có thể ăn cháo, súp hoặc các món ăn lỏng. Những món ăn này đồng thời có thể cung cấp dinh dưỡng cho trẻ và cân bằng chất lỏng trong cơ thể.
Bổ sung nước cho cơ thể khi bị sốt.
3. Hạ sốt bằng rau diếp cá
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, chất decanoyl-acetaldehyde trong rau diếp cá có tính kháng sinh nên rau diếp cá có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể...
Theo Đông y, diếp cá có vị chua, cay, tính mát, tác động vào 2 kinh can và phế. Tác dụng chủ yếu là thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, chống viêm...; giúp trẻ giải cảm, hạ sốt hiệu quả.
Khi trẻ bị sốt, rửa sạch 30 gam rau diếp cá tươi, giã nát, lọc lấy nước, đun sôi, để nguội rồi cho trẻ uống. Hoặc giã nát một ít rau diếp cá rồi bọc vào khăn vải nhỏ đắp lên trán trong 30 phút, sau đó lau sạch bằng nước ấm.
Rau diếp cá.
4. Hạ sốt bằng tinh dầu
Tinh dầu bạc hà có chứa menthol, có thể giúp làm mát da và cơ thể khi bị sốt. Khi hít tinh dầu bạc hà pha loãng, hơi ấm từ tinh dầu sẽ kích thích cơ thể tiết mồ hôi, do đó sẽ giúp hạ sốt.
Một cách hạ sốt hiệu quả nhưng ít người biết đó là sử dụng các loại tinh dầu xoa bóp hạ sốt. Đây là một cách tự nhiên tuyệt vời để hạ sốt bằng cách hạ nhiệt độ cơ thể.
Các chất rubefacient được tìm thấy trong bạc hà, gừng và vỏ quế có khả năng làm ấm hệ tuần hoàn và ra mồ hôi. Điều này giúp giảm nhiệt độ cơ thể.
Bạn cũng có thể sử dụng tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu bạc hà và hoa cúc để xoa bóp hạ sốt cho trẻ. Trộn 6 giọt tinh dầu với 1 thìa dầu nền, dùng dung dịch đó để massage khắp cơ thể trẻ, tập trung vào những vùng đặc biệt như gáy, gót chân.
TInh dầu bạc hà.
5. Chanh tươi
Khi trẻ bị sốt, có thể thái vài lát mỏng chanh tươi rồi đắp lên trán cho trẻ. Đồng thời, có thể xát chanh vào bẹn và nách của trẻ, luôn dùng khăn ấm lau người cho trẻ. Điều này sẽ giúp bé hạ sốt nhanh chóng và hiệu quả.
Nước chanh và các loại nước hoa quả giàu vitamin C như bưởi, quýt… là thức uống tốt giúp trẻ tăng sức đề kháng để có thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Ngoài ra, các loại trái cây như nho, dưa hấu, thanh long… ướp lạnh cũng cung cấp nước giúp làm dịu cơ thể.
Chanh tươi.
6. Lá tía tô
Trong đông y, lá tía tô có tác dụng chữa cảm mạo, làm ra mồ hôi, giải độc rất hiệu quả. Tía tô là loại cây chứa nhiều tinh dầu tốt cho sức khỏe, có khả năng giảm đau, giảm cảm, hạ sốt…
Có thể sử dụng lá tía tô trước ngày tiêm 1 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất. Có thể xay lấy nước rồi cho trẻ uống trực tiếp, hoặc có thể đun nước lá tía tô hoặc ăn sống… Sức đề kháng tự nhiên trong lá tía tô sẽ giúp giảm cơn sốt.
Lá tía tô.
7. Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
Khi trẻ bị sốt, phụ huynh không nên cho trẻ mặc quần áo dày sẽ khiến thân nhiệt tăng cao. Trong trường hợp trẻ bị sốt nhưng vẫn sinh hoạt bình thường và không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thì không cần thiết phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Chỉ cần mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát… cũng có tác dụng làm mát và hạ sốt.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt (khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C) sẽ giúp trẻ dễ chịu hơn.
8. Sử dụng thuốc hạ sốt
Nên cho trẻ uống hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C. Acetaminophen (paracetamol) dạng gói hoặc siro đơn thuần là thuốc hạ sốt dễ sử dụng, có tác dụng hạ sốt sau 30 phút và kéo dài từ 4-6 giờ. Bạn cần cho trẻ uống đúng liều lượng theo chỉ định, 10-15mg/kg thể trọng/lần, lặp lại sau 4-6 giờ nếu vẫn còn sốt.
Lưu ý rằng liều lượng cho trẻ sơ sinh và trẻ em phụ thuộc vào cân nặng và tuổi. Ngoài ra, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi cho bé dùng bất kỳ loại thuốc nào. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trên bao bì và sử dụng thiết bị đo chuyên dụng để đảm bảo chính xác lượng thuốc mà con bạn đang dùng.
Chỉ dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C.
Dưới đây là một số cách có thể giúp hạ sốt cho trẻ sau tiêm phòng vắc-xin. Tuy nhiên, tùy theo cơ địa của từng trẻ có thể lựa chọn các cách hạ sốt phù hợp. Nếu trẻ vẫn không đỡ sốt cần tìm tư vấn của bác sĩ để xử trí kịp thời.
Theo DS. Hoàng Thu Thủy (Sức khỏe đời sống)