Cơ quan khí tượng nhận định Biển Đông có thể hứng áp thấp nhiệt đới vào nửa đầu tháng 4, sớm hơn so với nhiều năm. Các địa phương được yêu cầu chủ động ứng phó với hình thái này.
Theo bản tin nhận định tình hình thời tiết tháng 4 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong nửa đầu tháng, xoáy thuận nhiệt đới có thể xuất hiện ở giữa và nam Biển Đông.
Theo quy luật thông thường, việc áp thấp nhiệt đới hoặc bão hình thành trên khu vực vào thời điểm này là tương đối sớm.
Mùa bão trên Biển Đông có thể đến sớm
Trong khi đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết theo thông tin tham khảo từ các cơ quan dự báo quốc tế, một áp thấp nhiệt đới có thể hoạt động ở vùng biển phía nam Biển Đông trong ngày 7-8/4.
Đồng thời, 2 cơn bão ở phía đông Philippines khả năng đi vào Biển Đông trong tuần tới. Đây được nhận định là tình huống bất thường, có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới hoặc bão sớm hơn so với quy luật hàng năm.
Mưa lớn kéo dài trong các ngày 30/3-2/4 gây ngập lụt ở Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Điền Quang.
Theo bản đồ dự báo của Windy, sự hình thành áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng. Ngày 7/4, một vùng áp thấp hoạt động ở khu vực vùng biển miền Trung Philippines, nhưng sau đó hình thái này có thể di chuyển ngược trở lại hoặc suy yếu nhanh, chứ không tiến vào Biển Đông.
Dù vậy, các kịch bản dự báo có thể thay đổi trong những ngày tới. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang chủ động theo dõi chặt chẽ thông tin cảnh báo của cơ quan dự báo trong nước và quốc tế.
Đồng thời, địa phương cần thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Mưa lớn tiếp diễn từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa
Trên đất liền, thời tiết Nam Trung Bộ tiếp tục diễn biến xấu do chịu ảnh hưởng của áp cao cận nhiệt đới đang có xu hướng lấn về phía tây, đồng thời áp cao lạnh lục địa có cường độ suy yếu chậm.
Trong các ngày 4-6/4, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa và phía đông Tây Nguyên xuất hiện mưa lớn diện rộng. Lượng mưa được phân bổ khác nhau cho từng khu vực.
Cụ thể, Thừa Thiên - Huế khả năng kết thúc mưa trong ngày 5/4 với lượng mưa phổ biến hai ngày tới là 30-70 mm. Tương tự, mưa dông kết thúc sớm ở Đà Nẵng và Quảng Nam nhưng với lượng lớn hơn, dao động 70-120 mm, có nơi trên 150 mm.
Tại Quảng Ngãi và Bình Định, mưa lớn kéo dài hai ngày với tổng vũ lượng 80-150 mm. Riêng Phú Yên và Khánh Hòa, mưa có thể duy trì từ gần sáng 4/4 đến hết ngày 6/4 với lượng 100-200 mm, có nơi trên 250 mm/đợt.
Ở phía đông Tây Nguyên, lượng mưa ghi nhận được trong ngày 4-5/4 được dự báo đạt mức 50-100 mm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Đồng thời, người dân đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Tại miền Bắc, khu vực duy trì kiểu thời tiết rét về đêm và sáng sớm, nắng ấm vào ban ngày trong hai ngày đầu tuần. Nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, dao động 15-26 độ C. Khoảng cách nhiệt độ có thể được rút ngắn ở mức 18-25 độ C kể từ ngày 5/4 và duy trì đến hết tuần.
Trong khi đó Nam Bộ tiếp diễn mưa dông rải rác liên tục trong các ngày 4-6/4. Theo trang dự báo Accuweather, TP.HCM và các khu vực lân cận duy trì nền nhiệt 25-34 độ C trong những ngày đầu tuần, mưa rào có thể xuất hiện về chiều tối và đêm.
Đến ngày 7/4, trạng thái mưa dông có thể chấm dứt ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Nền nhiệt duy trì ở ngưỡng 25-33 độ C.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, trải qua đợt mưa lũ bất thường từ 30/3 đến 2/4, lũ trên các sông ở Trung Bộ đã xuống dưới báo động 1. Lực lượng chức năng đã trục vớt được 106 tàu bè trên tổng số 229 tàu bị chìm.
Tính đến 17h ngày 3/4, mưa lũ ở miền Trung khiến 2 người chết, một người mất tích và 5 người bị thương nhẹ. Đồng thời, gió lốc làm 2 nhà bị sập, 50 nhà tốc mái, 262 thuyền, ghe bị chìm cùng hơn 2.500 lồng bè thiệt hại.
Về nông nghiệp, hơn 88.000 ha lúa và trên 16.000 ha hoa màu của người dân hư hỏng. Tổng thiệt hại lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.
Với việc mưa lớn tiếp diễn ở Nam Trung Bộ, các địa phương được yêu cầu tiếp tục đề phòng nguy cơ xảy ra thiên tai trong những ngày tới.
Theo Mỹ Hà (Zingnews)