Vai trò của người lãnh đạo được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá là chìa khóa thành công và những thành tựu của ngành tòa án có thể là bài học cho nhiều cơ quan, đơn vị khác trong tiến trình số hóa.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chia sẻ kinh nghiệm trong Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của ngành tòa án.
Vai trò đặc biệt của người lãnh đạo
Đầu năm 2022, Tòa án Nhân dân tối cao phối hợp cùng Tập đoàn Viettel bắt đầu tiến trình chuyển đổi số một cách nghiêm túc và bài bản. Mục tiêu của ngành tòa án là hướng tới xây dựng một nền tư pháp minh bạch và hiện đại trong đó người dân là trung tâm.
Trải qua 2 năm, tiến trình chuyển đổi số của ngành tòa án đã gặt hái được nhiều thành tựu. Cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã ghi nhận những thành quả bước đầu từ nỗ lực của ngành tòa án và rút ra những bài học kinh nghiệm từ thành công đó để các bộ, ban, ngành, cơ quan có thể thực hiện chuyển đổi số quốc gia hiệu quả hơn.
Trong đánh giá của mình, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đặc biệt đề cao vai trò của người lãnh đạo. Với cơ quan nhà nước, chuyển đổi số là việc phải làm nhưng vẫn còn rất nhiều mới mẻ. Để việc chuyển đổi số diễn ra thành công, người đứng đầu sẽ phải là người trực tiếp làm. Khi đi qua một dự án có tính đột phá, người lãnh đạo mới có thể hiểu và từ đó chỉ đạo - yếu tố then chốt thúc đẩy chuyển đổi số trong đơn vị.
Ở Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Nguyễn Hòa Bình không chỉ là người trực tiếp đạo chuyển đổi số mà còn trực tiếp truyền đạt, dạy nghiệp vụ cho đội ngũ chuyên gia công nghệ làm chuyển đổi số cho ngành Tòa án; trực tiếp đưa ra các yêu cầu cụ thể của ngành cũng như trực tiếp chia sẻ làm thế nào để đạt được kết quả như mong muốn.
Nói về những nỗ lực số hóa của ngành, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay: “Trước áp lực công việc tăng lên, biên chế giảm xuống, đòi hỏi của xã hội, của nhân dân ngày càng cao cùng yêu cầu từ Đảng, chúng tôi không có lối thoát nào khác ngoài chuyển đổi số để có thể đáp ứng. Nhận thức được trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân nên chúng tôi tập trung vào làm. Cả tập thể cùng nhau chuyển đổi số”.
Trên thực tế, chuyển đổi số thành công phụ thuộc phần nhiều vào chính các bộ, ngành. Xác định rõ mục tiêu chuyển đổi số là đưa tri thức chuyên ngành vào ứng dụng, tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu của cán bộ, công chức, đây rõ ràng không còn là công việc của riêng các kỹ sư IT, các lập trình viên của đối tác công nghệ.
Thay vào đó, mỗi đơn vị cần đưa những người giỏi nhất, nắm bắt quy trình tốt nhất vào làm việc cùng đối tác để tạo ra sản phẩm đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của chính mình. Khi đã có sản phẩm, bản thân cán bộ, công chức ở các cơ quan, đơn vị cũng cần phải thường xuyên sử dụng. Đây chính là quá trình huấn luyện giúp ứng dụng thông minh hơn.
“Các công việc này chiếm tới 70% công việc chuyển đổi số, 30% còn lại thuộc về doanh nghiệp công nghệ. Do đó, thành công của chuyển đổi số phụ thuộc hầu hết vào các bộ, ngành, địa phương”, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh.
“Cái bắt tay” của cam kết đồng hành lâu dài
Trợ lý ảo đang thực sự tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong hoạt động hàng ngày của ngành tòa án. Đây là sản phẩm được Tập đoàn Viettel phát triển. |
Ở thời điểm hiện tại, chuyển đổi số được xác định mục tiêu tạo ra trợ lý giúp việc cho các công chức chứ không còn là công cụ hỗ trợ. Không giống với kỷ nguyên ứng dụng công nghệ thông tin, vốn chỉ tạo ra công cụ làm việc trên môi trường điện tử, chuyển đổi số hướng tới giải quyết những vấn đề sâu xa như quá tải về công việc, bổ sung kiến thức và nâng cao năng lực của cán bộ, nhân viên.
“Chuyển đổi số tạo ra trợ lý giúp việc cán bộ công chức, tập hợp tri thức của cả tổ chức để giúp cán bộ, công chức giải quyết công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, chính xác hơn, qua đó giảm tải áp lực công việc, tăng năng suất lao động”, Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia cho biết. Ở chiều ngược lại, việc sử dụng hàng ngày giúp trợ lý ngày càng hoàn thiện.
Trong ngành tòa án, chuyển đổi số đã tạo trợ lý chuyên môn cho các thẩm phán, qua đó giúp thẩm phán, thư ký giảm khối lượng lớn công việc. Riêng công việc trong lĩnh vực hành chính giảm 30%. Việc mã hóa, công khai bản án, vốn trước đây tốn nhiều giờ thì hiện chỉ còn mất vài giây.
AI chính là “đột phá khẩu” trong lĩnh vực chuyển đổi số của ngành tòa án. Từ thành công trong việc ứng dụng AI xây dựng trợ lý ảo thành công, ngành Tòa án bắt đầu lan tỏa thành tựu sang các lĩnh vực khách như tổng hợp, thống kê, quản lý, giám sát….
Tuy nhiên, chuyển đổi số được đánh giá là một hành trình lâu dài. Chính bởi thế, các bộ, ban, ngành nói chung, ngành Tòa án nói riêng, luôn cần sự đồng hành của doanh nghiệp công nghệ đối tác. Các đối tác không chỉ phải giỏi chuyên môn công nghệ mà còn cần am hiểu các ngành, các lĩnh vực đang chuyển đổi số cũng như có nguồn lực đủ mạnh và cam kết dành nguồn lực riêng để đảm bảo sẵn sàng 24/7.
Tập đoàn Công nghiệp–Viễn thông Quân đội (Viettel) là đối tác thực hiện chuyển đổi số của ngành tòa án với dấu mốc là việc đưa vào vận hành khai thác Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân vào năm 2022.
Đây được mô tả là “bộ não” của Tòa án số, với nhiệm vụ tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có trong ngành tòa án để bảo đảm vận hành thông suốt, công khai, minh bạch và dễ dàng theo dõi, giám sát.
Cũng từ đầu năm 2022, Tập đoàn Viettel cũng đã đưa trợ lý ảo ngành tòa án vào hoạt động như một công cụ giúp việc cho các thẩm phán. Trợ lý ảo được lập trình am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh thẩm phán, giao tiếp với thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân. Trợ lý ảo đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cách làm việc trong ngành tòa án và đang được hướng tới để phục vụ toàn dân.
Nguồn: Nhân Dân