Chương trình AWS Activate hỗ trợ startup khởi động nhanh chóng và phát triển về sau.
AWS: “Đám mây” sôi động trong đại dịch
Trong một hội thảo trực tuyến về chủ đề doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) mới đây, bà Priya Lakshmi - Trưởng phòng mảng kinh doanh Khởi nghiệp khu vực Đông Nam Á của Amazon Web Services (AWS) đã dẫn số liệu từ CB Insights và đánh giá, tính đến quý 3/2021, mức độ tăng trưởng cả về giá trị (33,3% so với 2020) và số lượng (tăng 25%) các khoản đầu tư vào startup tại Việt Nam đều tăng mạnh trong năm qua.
Theo bà, trong đại dịch COVID-19, các công ty ở mọi quy mô, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp đã và đang nhanh chóng khai thác những ưu điểm về độ “linh hoạt” và tính “co giãn” của môi trường điện toán đám mây, để tạo ra những mô hình kinh doanh mới đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Chẳng hạn trong lĩnh vực y tế, Jio Health sử dụng môi trường điện toán đám mây của AWS để mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn cho bệnh nhân, cụ thể là tiếp cận bác sĩ tốt hơn cũng như tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Bà Priya Lakshmi - Trưởng phòng phụ trách kinh doanh Khởi nghiệp khu vực Đông Nam Á của AWS.
“Các startup ở giai đoạn đầu trong lĩnh vực fintech, healthtech, e-commerce, chuyển phát và logistic cũng rất sôi động tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Trong 18 tháng qua, chúng tôi đã giúp rất nhiều các startup tận dụng lợi thế của đám mây để tạo ra những giải pháp mới, mô hình kinh doanh mới, hay thậm chí chuyển đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với đại dịch”, bà Priya đánh giá.
Theo bà, với AWS, khi bắt đầu khởi nghiệp, các startup không cần tính toán xem phải cần bao nhiêu tài nguyên điện toán, mà chỉ cần kết nối với môi trường điện toán đám mây này. Họ có thể tiếp cận các nguồn lực, nguồn tài nguyên điện toán để phát triển nhanh chóng, khôi phục lại sau đại dịch.
Hạ tầng của AWS cho phép startup có đầy đủ các tài nguyên phần cứng cần thiết chỉ sau vài “click” chuột. Họ có được ưu thế có thể thử nghiệm rất nhiều lần mà không đòi hỏi khoản đầu tư lớn vào máy chủ, cho đến khi tìm ra ý tưởng hiệu quả nhất.
“Tất cả những điều đó giúp cho các startup tập trung vào hoạt động chính, vào điều mà họ làm tốt nhất, chứ không phải bận tâm đến việc quản trị cơ sở hạ tầng CNTT”, bà Priya Lakshmi nhấn mạnh.
Startup nói gì khi đã “lên mây” thành công?
Cũng tham gia hội thảo, ông Raghu Rai - Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của Jio Health đã minh chứng cho những gì đại diện AWS chia sẻ. Jio Health có sứ mệnh đưa hệ sinh thái y tế đa kênh toàn diện đến với khách hàng Việt Nam, thông qua cả kênh trực tuyến và ngoại tuyến. Họ giúp kết nối người bệnh với bệnh viện, phòng khám và nhà thuốc chỉ trong vòng vài phút.
Theo ông Raghu, việc quan trọng đầu tiên của startup thường là tập trung cao độ vào xây dựng giải pháp. Nếu có thể giải phóng các lo lắng về CNTT bằng các giải pháp của AWS, thì startup sẽ giảm nhẹ gánh nặng và có thể tập trung vào ưu tiên hàng đầu là phục vụ khách hàng tốt hơn, xây dựng đội ngũ phát triển kinh doanh.
Ông Raghu Rai - Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của Jio Health.
“Điều thú vị là mọi lo lắng về hạ tầng công nghệ khi khởi nghiệp hầu như không còn nữa. Những công ty như Amazon Web Services đang giống như bỏ tiền ra cho chúng ta khởi nghiệp vậy”, ông nói.
Cùng quan điểm, ông James Vương - Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của Infina (nền tảng đầu tư số) cho biết, một trong những kinh nghiệm mà ông đã nhận ra khi khởi nghiệp là phải sử dụng môi trường điện toán đám mây thay cho máy chủ. Và AWS chắc chắn là lựa chọn đầu tiên ông nghĩ tới.
“Ngày nay, những rủi ro khi khởi nghiệp cũng giảm đi rất nhiều. Với số tiền ít hơn, bạn vẫn có thể đi xa hơn nhờ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp như AWS Activate qua các tài trợ lên tới 100.000 USD giá trị AWS credits cho mỗi startup,” ông James Vương khẳng định.
Hiện tại, Infina đang rất quan tâm đến công nghệ máy học và trí tuệ nhân tạo tích hợp trong các sản phẩm của AWS. Ví dụ, các ứng dụng có thể phát hiện ra các quy luật giúp ngăn chặn gian lận tài chính, hay hiểu khách hàng hơn.
James Vương – Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc của Infina
Còn với Jio Health, ngành y tế mà họ hướng tới được các cơ quan nhà nước quản lý rất chặt. Sử dụng điện điện toán đám mây đã giúp họ có khả năng đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý bất kỳ khi nào.
Hệ thống của Jio Health còn lưu giữ nhiều dữ liệu của bệnh nhân cũng như các bệnh viện, phòng khám, bao gồm ảnh chụp và cả kết quả xét nghiệm, chẩn đoán,… Do đó, sử dụng giải pháp Amazon SageMaker để phân tích dữ liệu lớn bằng máy học, đã giúp họ có được thông tin hỗ trợ khách hàng tốt hơn.
“Tất cả những công cụ trên AWS tự động hóa rất nhiều công việc của chúng tôi. Nó cho phép chúng tôi cung cấp những dịch vụ y tế cá nhân hóa cao hơn với giá cả phù hợp hơn cho bệnh nhân”, ông Raghu chia sẻ.
Bảo mật cũng là vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với các startup và những công ty như Jio Health, Infina hoàn toàn yên tâm và tin tưởng khi sử dụng nền tảng AWS.
“Việc có một giải pháp tích hợp và mã hóa mọi thứ thông qua nền tảng đám mây riêng ảo như hiện nay thực sự quan trọng để có kiến trúc bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư phù hợp cho doanh nghiệp của chúng tôi”, ông Raghu nhấn mạnh.
Chương trình AWS Activate bắt đầu từ năm 2013, đã cung cấp cho hàng trăm ngàn startup những chương trình như hỗ trợ AWS credits lên tới 100.000 USD cho mỗi startup để sử dụng điện toán đám mây cũng như hỗ trợ hoạt động marketing,… Ngoài ra, họ mới ra mắt chương trình mới có tên “Build on AWS”. Đây là chương trình giúp startup xây dựng hạ tầng trên môi trường điện toán đám mây của AWS trong vòng vài phút. “Build on AWS” tập hợp các tài nguyên điện toán, kiến trúc tham chiếu để cung cấp những giải pháp đã được kiểm chứng cho các startup. |