Bên cạnh tuân thủ chế độ ăn kiêng khắt khe, sử dụng đồ uống đúng cách cũng giúp kiểm soát đường huyết, góp phần hạn chế biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.
Tiểu đường là căn bệnh thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Tuy nhiên những năm gần đây độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa, có trường hợp từ 25-30 tuổi, thậm chí có bé 12-13 tuổi đã bị tiểu đường mà bản thân hay gia đình đều không hề hay biết.
Theo các chuyên gia, chế độ ăn uống thiếu khoa học, hay ăn các loại đồ ăn nhanh, dầu mỡ, tinh bột, kẹo bánh, đồ ngọt, lười vận động dẫn đến béo phì, làm gia tăng tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, yếu tố gia đình cũng là một nguy cơ của bệnh. Nếu bố, mẹ mắc tiểu đường hoặc nếu mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ thì nguy cơ các con bị tiểu đường sẽ cao hơn những đứa trẻ khác.
Để kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, đặc biệt là những người đã bị bệnh, ngoài chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều rau xanh, giảm đường, chất béo, cân bằng dinh dưỡng, thì chú ý đến các loại đồ uống nạp vào cũng vô cùng quan trọng.
Đồ uống có đường như soda, nước trái cây, đồ uống thể thao, nước tăng lực,… là những thức uống làm tăng đường huyết rõ rệt, bạn cần ngừng tiêu thụ chúng ngay lập tức nếu đang mắc bệnh tiểu đường. Đồng thời, bạn có thể thay thế bằng những thức uống lành mạnh, giúp hạ đường huyết cực nhanh dưới đây.
Trà hoa cúc
Để có được hiệu quả tốt nhất, bạn nên uống trà hoa cúc 2 lần/ ngày. Ảnh minh họa
Hàm lượng chất chống oxy hóa cao và 0% calo đã khiến trà hoa cúc trở thành một trong những thức uống tốt nhất cho người bị bệnh tiểu đường. Đặc biệt trà hoa cúc có một số tác dụng tích cực nhất định đối với bệnh nhân mắc đái tháo đường loại 2.
Bên cạnh đó uống trà hoa cúc mỗi ngày còn ngăn ngừa tổn thương thần kinh và hệ thống tuần hoàn, phòng tránh biến chứng gây bệnh thận và mù lòa. Để có kết quả tốt nhất, bạn nên uống trà hoa cúc hai lần mỗi ngày.
Nước ép cà chua
Nước ép cà chua rất tốt đối với bệnh nhân đái tháo đường nhưng cần lưu ý là phải uống nước ép nguyên chất. Ảnh minh họa
Dùng nước ép cà chua mỗi ngày một lần giúp cân bằng lượng đường trong máu nhờ vào lycopene - một chất chống oxy hóa mạnh mẽ.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng, tiêu thụ một quả cà chua mỗi ngày có thể giúp giảm huyết áp, phòng ngừa bệnh tim mạch có liên quan đến tiểu đường loại 2. Nhưng cần lưu ý một điều, bạn phải uống nước ép cà chua nguyên chất, không thêm muối hay đường.
Nước luộc mướp đắng
Mướp đắng được xem như là một trong những thực phẩm hỗ trợ tốt nhất cho bệnh tiểu đường, giúp điều chỉnh lượng đường cao trong máu. Mướp đắng còn có tác dụng kích hoạt insulin trong cơ thể, từ đó ngăn chặn sự chuyển đổi hình thành chất béo.
Bạn có thể lấy 300g mướp đắng cắt nhỏ đem đun sôi với lượng nước vừa đủ, để nguội rồi uống. Hoặc có thể ngâm mướp đắng lát mỏng trong nước 30 phút và uống.
Nước tỏi tây (Hành Paro)
Nếu không ăn trực tiếp mà dùng nước ép thì các chất dinh dưỡng có trong tỏi tây cũng sẽ phát huy hiệu quả tích cực đối với bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa
Với tính chất ít natri và không có chất béo bão hòa hay cholesterol, tỏi tây là thực phẩm rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Đây còn là một nguồn cung cấp chất xơ dồi dào cho thực đơn hàng ngày của người bệnh. Nếu không ăn trực tiếp mà dùng nước ép thì các chất dinh dưỡng có trong tỏi tây cũng sẽ phát huy hiệu quả điều trị bệnh.
Trà xanh
Uống trà xanh mỗi ngày cũng có thể giúp bệnh nhân tiểu đường giảm lượng đường trong máu vì thức uống này rất giàu polyphenol, có thể thúc đẩy quá trình bài tiết insulin trong cơ thể và ổn định đường huyết.
Trà lá xoài
Theo nhiều nghiên cứu, lá xoài mang các đặc tính có lợi cho bệnh nhân tiểu đường. Chúng chứa một số khoáng chất và chất chống oxy hóa, cải thiện khả năng hấp thụ insulin của tế bào cũng như điều chỉnh việc sản xuất insulin, từ đó kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả.
Uống trà lá xoài trước khi ăn sáng mỗi ngày, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục thường xuyên, đã được chứng minh tích cực trong việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh đái tháo đường.
Nước lọc
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh tiểu đường nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để cơ thể đào thải lượng glucose dư thừa ra ngoài. Không những thế, việc uống đủ nước còn làm tăng lưu lượng máu và làm giảm áp lực thẩm thấu huyết tương, giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.
Theo Minh Hoa (Người đưa tin)