Về tương lai có thể xuất hiện kịch bản lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 2, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt gần 11 triệu tỷ đồng, tăng 1,4% so với đầu năm, tương đương 150.756 tỷ đồng. Tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,81% so với cuối năm 2021.
Chỉ riêng trong tháng 2, tiền gửi dân cư tăng mạnh, đạt 5,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 56.400 tỷ đồng so với cuối tháng 1 và tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Mức tăng này vượt cả mức tăng trưởng tiền gửi của người dân trong năm 2021 là 158.623 tỷ đồng.
Trong khi tiền gửi từ dân cư tăng mạnh thì tiền gửi từ các tổ chức kinh tế lại giảm 0,16% so với cuối năm 2021, tương đương giảm 8.869 tỷ đồng.
Tiền gửi từ dân cư tăng mạnh trong hai tháng đầu năm nay
Trước đó, trong tháng 1, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021. Tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,9 triệu tỷ đồng, tăng 0,32% so với đầu năm, tương đương gần 35.000 tỷ đồng. Tiền gửi dân cư tăng hơn 103.000 tỷ chỉ trong tháng 1, tương đương tăng 1,95% lên hơn 5,4 triệu tỷ đồng. Đây là tháng tiền gửi của người dân tăng mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Các chuyên gia SSI cho rằng, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất này đang thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021.
“Mặt bằng lãi suất hiện đã chạm đáy và khó có thể giảm thêm. Từ nay đến cuối năm, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tăng dần và phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế cũng như diễn biến của lạm phát” – chuyên gia SSI nhận định.
Về tương lai có thể xuất hiện kịch bản lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến.
Theo báo cáo vĩ mô quý I/2022, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 0,5-1% trong cả năm 2022.
Theo Thu Trang (Dân Việt)